(VietNamNet) - Đêm diễn của Đại Lâm Linh đã thu hút một lượng lớn khán giả  chật kín chỗ vào đêm cuối tuần, và cũng có không ít bà mẹ trẻ dẫn cả con theo.

>> "Đại Lâm Linh không hề nghịch tai, có chăng là do ... tai các bạn nghịch!"

Trong khoảng không gian không lớn của Nhà hát chèo Kim Mã, ekip của nhạc sĩ Ngọc Đại đã sắp đặt một sân khấu khá đầy đủ về bố cục với rèm buông, vị trí cho 12 nghệ sĩ dàn dây, cho trống, guitar, guitar bass và cây đàn piano đứng. Khu vực sân khấu còn lại nhường chỗ cho Thanh LâmLinh Dung - hai giọng ca chính của Đại Lâm Linh.


Ca sĩ Linh Dung

Hai cô gái của Đại Lâm Linh xuất hiện, vẫn là quần ống và áo chùng rộng thùng thình, đầu bịt khăn, vấn tròn để mái tóc ép sát vào da. Mở đầu với Lưu lạc, Dệt tầm gai, Tiếc nuối và Mơ. Có lẽ thực sự rất 'choáng' với những khán giả chưa từng nghe Đại Lâm Linh bao giờ. Phần nhạc đệm xuất hiện với nhiều hòa âm nghịch chồng lớp lên nhau, tiếng piano giận dữ, trăn trở khi nhỏ nhẹ, khi gấp gáp. lúc hổn hển. Tiếng violin rin rít như cứa vào không gian và da thịt. Tiếng saxophone của Larsen Anker biến đổi không ngừng. Chỉ còn lại bass và trống jazz làm bè trầm bằng những hợp âm tăm tối.


Thanh Lâm

Đã được cảnh báo trước về sự phức tạp và gai góc, nhưng phần nhạc của đêm Đại Lâm Linh cũng hấp dẫn và dầy dặn, và rõ ràng rất công phu. Phần khó tiếp nhận hơn chính là phần hát  với âm thanh giọng người được đẩy đến tận cùng, chói lói, rên rĩ. Sau "Tiếc nuối", "Dệt tầm gai", 2 lần liên tiếp ngay giữa quãng nghỉ, dưới hàng ghế khán giả vang lên tiếng  òa khóc của một  em bé. Tiếng khóc nức nở đó khiến cho những người xem vừa không khỏi bật cười, vừa thương em trước không khí u ám và ma quái trong đêm diễn.


Đêm nhạc ma mị và lôi cuốn

Tuy lấy được sự sợ hãi của trẻ con, nhưng đêm nhạc cũng lấy được những tràng vỗ tay giòn giã của người lớn. Khi mà kĩ thuật xử lý giọng của Thanh Lâm và Linh Dung đều rất xuất sắc và khác người, việc hát tốt ở âm khu cao cũng là một lợi thế để Thanh Lâm thể hiện tâm trạng phức hợp và ma mị của nhân vật trong thơ. Có lẽ những người lớn tuổi, đã trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, của trải nghiệm sẽ dễ tiếp cận âm nhạc của Đại Lâm Linh hơn là những tâm hồn trẻ thơ - vì sự đau khổ, những biến động gắt gao về cảm xúc, tâm linh đó họ có thể mường tượng hay nắm rõ, thậm chí đã từng trải qua rồi, nên không còn phải kinh sợ hay phản cảm với điều đó nữa.


Những giọt nước mắt đen chảy trên má ca sĩ


... với xúc động mãnh liệt và ám ảnh tâm linh,
Đại Lâm Linh
có lẽ là thứ âm nhạc chỉ dành cho người lớn

  • Bài và ảnh: Hồ Hương Giang