Trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là những FTA thế hệ mới đang được triển khai tích cực, mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch COVID-19; cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao; an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở mức đáng báo động, an ninh phi truyền thống, như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp; nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa... dẫn đến tổng cầu suy giảm.
Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, để phát huy hiệu quả từ việc tận dụng những FTA thế hệ mới, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực không mong muốn, khắc phục những hạn chế, tránh gặp rủi ro trong quá trình thực thi các cam kết, cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Ngày 24-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trên cơ sở đó, cần tiếp tục thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đặc biệt là đối với các FTA.
Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, đánh giá sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phù hợp với các cam kết trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Đồng thời, tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Điều quan trọng trong sửa đổi luật là cần chú ý đến việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo “lực đẩy và lực kéo” để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Thứ hai, hoạt động phổ biến tuyên truyền về các FTA thế hệ mới được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước trong thời gian tới cần đi vào chi tiết, với các nội dung được xây dựng theo hướng gắn sát thực tiễn, ngắn gọn, phù hợp với mối quan tâm của từng nhóm đối tượng doanh nghiệp cụ thể. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, nhất là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung - cầu. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo các nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Thứ ba, đề cao vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa; đặc biệt là định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định.
Thứ tư, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về thông tin thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa. Tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu (12).
Thứ năm, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về cam kết trong các FTA, nhất là FTA thế hệ mới; tìm hiểu kỹ về thị trường các nước thành viên FTA. Chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, như: Thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu; cập nhật thông tin cảnh báo sớm; tham gia tích cực vào quá trình điều tra, phối hợp tích cực với cơ quan điều tra. Từ đó, chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật, tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường.
Ngoài ra, liên kết và hợp tác trong kinh doanh để cùng mạnh, qua đó thu lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình này cũng là điều cần chú ý. Đồng thời, thay vì những nỗ lực đơn lẻ kém hiệu quả, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác (trong khuôn khổ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI hay các hiệp hội doanh nghiệp) để vận động chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó phát huy sức sáng tạo và hội nhập quốc tế thành công.