Nếu xem ngành công nghiệp chế biến chế tạo là một ngôi nhà. Thì móng nhà, phần có thể nói quan trọng nhất, chính là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo Việt Nam những năm qua liên tục có mức tăng trưởng đều và ổn định trong ngành công thương. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn yếu, ít doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cơ hội rất lớn tiếp cận những làn sóng mới
Đánh giá về ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây được TTXVN dẫn lời cho biết, công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng phát triển và đang đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Đơn cử như trong tăng trưởng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò rất lớn. Năm 2019, tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cho xuất khẩu đã tăng tới 92,82% từ mức chỉ có 78% năm trước. Trong một bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu và rộng thì xu thế phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại với tỷ trọng và vai trò của ngành chế biến, chế tạo ngày càng tăng lên.
Ảnh minh họa. |
Công nghiệp chế biến, chế tạo có một sức hút rất lớn trong thu hút đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Riêng năm 2019, trong tổng số 32 tỷ USD thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế của Việt Nam, đã có gần 22 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và điều đó cho thấy, đây không chỉ là chiến lược công nghiệp hóa hiện tại của Việt Nam mà cả chiến lược hội nhập và xuất nhập khẩu bền vững.
Ngoài ra, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng như toàn cầu đang chứng kiến những sự thay đổi rất lớn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế toàn cầu hóa và đặc biệt là do tác động của COVID-19. Những yếu tố này tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam tiếp cận những làn sóng mới, những xu thế thay đổi mới trong việc hình thành những chuỗi cung ứng, dịch chuyển của các nguồn đầu tư.
Chính vì vậy, việc hoạch định kế hoạch, chiến lược chính xác và đảm bảo quá trình thực thi trên cơ sở minh bạch, công khai là rất cần thiết cho không chỉ Chính phủ Việt Nam mà còn cho cả cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu trong công nghiệp chế biến, chế tạo
Nói về những giải pháp để cải thiện khả năng kết nối các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và từ ngày 1/8 tới sẽ bắt đầu có hiệu lực, tạo ra thuận lợi từ giảm thuế quan, ưu đãi cho tiếp cận thị trường và các dịch vụ khác.
Bộ trưởng Bộ Công thương tin rằng, trong một bối cảnh như vậy, việc kết nối doanh nghiệp, làm sao có được thông tin để doanh nghiệp gặp gỡ nhau là rất quan trọng. Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, đây có thể coi là hệ thống dữ liệu đầu tiên của ngành công nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở dữ liệu đã đạt hơn 1,5 triệu lượt truy cập và đang tiếp tục tăng nhanh. Ảnh: VGP. |
Hệ thống cơ sở dữ liệu này còn mới và hạn chế, tức là chỉ trong một số lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp ôtô, chế biến thức ăn, điện tử, công nghiệp da giày, dệt may... Nhưng hệ thống này sẽ phần nào giúp cho nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách cũng như về các cơ sở, điều kiện phát triển toàn diện, nhất là những yếu tố liên quan đến các cơ sở vật chất và hệ thống các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước cũng có điều kiện để nắm bắt, hiểu rõ hơn nữa về khả năng tham gia trong chuỗi cung ứng các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó chúng ta có điều kiện để khẳng định và tiếp tục củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng này.
Đây cũng sẽ là một hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng quan trọng cho Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc tiếp tục nắm chắc và tìm hiểu đầy đủ, kỹ lưỡng ngành công nghiệp, từ đó, đảm bảo cho xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kịp thời, phù hợp, chính xác; đồng thời tạo ra những cơ sở để hoàn thiện môi trường trên cơ sở minh bạch, công khai, có sự nhất quán.
“Chúng tôi cho rằng, đây là một cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể dễ dàng kết nối với nhau tiếp tục tham gia thúc đẩy phát triển hệ thống thương mại trên cơ sở dữ liệu của hệ thống cơ sở công nghiệp. Từ đó, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các sàn thương mại điện tử, tạo ra sự kết nối tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng như giữa nhà nước với doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Minh Đức