Luật sư tư vấn:
Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về truy nã bị can như sau:
“Điều 231. Truy nã bị can
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai”.
Truy nã bị can bỏ trốn |
Theo đó, khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can. Theo Điều 4 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT/BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự về truy nã, cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại điều 2 của Thông tư đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
- Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đổi tượng bỏ trốn.
Trong đó, nội dung quyết định truy nã phải thể hiện những thông tin cần thiết cho việc phát hiện, bắt người bị truy nã, gồm: họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật Tố tụng hình sự; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Thẩm quyền ra quyết định truy nã bị can thuộc về Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ hình sự (điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự). Viện kiểm sát, Tòa án, tùy theo giai đoạn tố tụng, có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can hoặc bị cáo. Việc truy nã bị cáo cũng được thực hiện theo quy định tại Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự (điểm b khoản 1 Điều 281 Bộ luật tố tụng hình sự).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai đến mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt người đang bị truy nã và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất (khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Để chấm dứt việc truy nã, sau khi bắt được người truy nã, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Sự khác nhau giữa Thẻ căn cước công dân và CMND
Căn cước công dân (CCCD) là giấy tờ tùy thân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam