Xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới đang là hot trend tại Việt Nam. Hiện đang có rất nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới có mảng B2B tấn công thị trường Việt Nam, tiêu biểu là Amazon.
Để khuyến khích các SMEs và các startup Việt bán hàng trên nền tảng của mình, Amazon cùng nhiều đối tác khác đã tổ chức rất nhiều chương trình chia sẻ về những phương cách cũng như lưu ý khi "ra biển lớn", ví dụ như Chương trình "Xúc tiến khởi nghiệp thương mại điện tử Việt Nam" vừa diễn ra cách đây không lâu.
"Năm 2018, có 200.000 ngàn doanh nghiệp SMEs đạt doanh số 1 triệu USD khi bán hàng trên Amazon. Với việc mảng B2B của Amazon ra đời cách đây chưa lâu, những con số trên với chúng tôi là vô cùng ấn tượng. Hầu hết SMEs trong số này tăng trưởng mỗi năm 20%. 50% sản phẩm được bày bán trên Amazon đến từ các doanh nghiệp SMEs và startup", bà Hiền Nguyễn - Quản lý Phát triển đối tác chiến lược của Amazon tại Việt Nam cho biết.
Amazon cũng đưa ra một ví dụ tiêu biểu về sự thăng tiến của các startup Việt khi tham gia bán hàng xuyên biên giới qua nền tảng Amazon. Andre Gift Shop – một doanh nghiệp chuyên về đồ thủ công mỹ nghệ - gia dụng da và gỗ đã tăng từ 4 nhân viên lên 35 nhân viên, từ một cái gác xép tận dụng phát triển lên phân xưởng rộng hơn 300m2 sau vài năm bán hàng trên Amazon. Hiện tại, doanh số mà họ thu được trên Amazon chiếm 50% doanh số của công ty và họ đang phấn đấu lên con số 70%.
Tuy nhiên, để đạt được những thành tích của Andre Gift Shop hay 200.000 ngàn doanh nghiệp triệu đô mà chúng ta vừa thấy ở trên, theo bà Hiền Nguyễn các startup Việt cần phải lưu ý những điều sau.
"Loại phí số 1 và 2 là bắt buộc, còn loại phí thứ 3 tùy vào lựa chọn của mỗi doanh nghiệp. Các startup Việt cần phải hoạch định các chi phí này vào chi phí hoạt động kinh doanh trước khi bắt đầu bán hàng qua Amazon", bà Hiền Nguyễn làm rõ thêm.
Đầu tiên, bán hàng trên Amazon không phải hoàn toàn miễn phí, các doanh nghiệp cần ít nhất 2 loại phí và nhiều nhất là 3 loại phí cho nền tảng này. Loại phí số 1 được gọi là chi phí cố định, các startup có thể đóng hằng tháng hoặc trên số lượng đơn hàng. Tại thị trường Bắc Mỹ và Mỹ, các doanh nghiệp sẽ đóng 39,9 USD/tháng hoặc 0,99 USD/đơn hàng.
Loại phí thứ 2 được gọi phí giới thiệu hay còn gọi là hoa hồng, được tính dựa trên danh mục ngành hàng. Amazon thường tính 8% đến 20% tùy danh mục ngành hàng, trên doanh thu mà doanh nghiệp bán được.
Loại phí thứ 3 được gọi là các loại phí khác, bao gồm phí lưu kho, phí cho dịch vụ FBA, quản lý đơn hàng, quảng bá sản phẩm…
Thứ hai, các sản phẩm như cà phê, nước mắm và đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang rất được khách hàng trên Amazon yêu thích. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn lên Amazon chỉ bán những thứ đó.
Tuy nhiên, dù bán bất cứ sản phẩm nào, chúng phải thỏa mãn 3 điều sau: thông tin – hình ảnh phù hợp với từng thị trường, ví dụ bán ở thị trường Mỹ thì phải có tiếng Anh và bao bì đóng gói phải phù hợp với cơ chế vận chuyển và bảo quản ở thị trường này; tất cả sản phẩm đều phải có mã barcodes quốc tế để đảm bảo sản phẩm bày bán trên Amazon đều là sản phẩm tốt – không phải hàng giả; với các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, đồ cho em bé và thực phẩm phải có các chứng từ và chứng nhận phù hợp.
Thứ ba, không phải các sàn TMĐT Việt Nam hay châu Á mới ‘đẻ’ ra rất nhiều Lễ hội mua sắm như Ngày độc thân 11/11…mà Amazon cũng thế. Vào những tháng cuối năm, Amazon có hàng loạt dịp lễ để các doanh nghiệp tha hồ khuyến mại, ví dụ: Lễ hóa trang Halloween 31/10, Lễ tạ ơn, Black Friday, Thứ hai công nghệ 2/12…; và trong năm, Amazon cũng có rất nhiều lễ khác, ví dụ: Labor Day – Ngày quốc tế lao động, Prime Day – khuyến mãi dành cho khách hàng VIP, Cyber Monday Deals, Back to school – Mùa tựu trường….
Thứ tư, các doanh nghiệp hãy tích cực sử dụng các công cụ/dịch vụ mà Amazon cung cấp để khiến việc xây dựng thương hiệu hay phát triển công việc kinh doanh dễ dàng hơn.
Trong năm 2019, Amazon đã giới thiệu tới 50 công cụ/dịch vụ để hỗ trợ những người bán hàng trên nền tảng của mình. Trong đó có các công cụ tiêu biểu như phân tích thương hiệu – phân tích để biết thương hiệu của mình đang có vị thế như thế nào trên Amazon, công cụ hỗ trợ và xây dựng thương hiệu…
Bên cạnh đó, Amazon còn cung cấp những dữ liệu chuyên sâu để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa ra những chiến lược kinh doanh bắt kịp với xu hướng thị trường. Chỉ cần bạn "khai báo" với Amazon bạn là ai – tức sản xuất ngành hàng gì và công ty có bao nhiêu nhân sự, Amazon có thể trả lại cho bạn một danh sách khách hàng tiềm năng chi tiết, ví dụ họ đến từ đâu, họ cần gì, họ thường tìm kiếm những gì…
Ông John Yeh – Chủ tịch của Công ty AeSA – Asian Ecommerce Start Up Accelerator
Đồng quan điểm, ông John Yeh – Chủ tịch của Công ty AeSA – Asian Ecommerce Start Up Accelerator, cho rằng, khu vực Bắc Á và Đông Nam Á đang đứng trước những cơ hội lớn trong ngành TMĐT. Ông John Yeh đánh giá cao thị trường đông dân của Đông Nam Á, với sự xuất hiện của nhiều startup trẻ, năng động và nguồn nhân lực sáng tạo nổi bật trong bối cảnh kinh tế hội nhập. Các startup chính là đòn bẩy thúc đẩy thương mại điện tử châu Á.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TMĐT, tất nhiên Tiki không thể thờ ơ với xu hướng nóng sốt này.
"Cái khiến Tiki khác biệt so với những trang TMĐT khác là bởi chúng tôi có những con số sau: 111% trả lại tiền khi xác định khách hàng mua hàng giả trên Tiki, dịch vụ giao hàng 2h của chúng tôi đã có 2 triệu đơn hàng với tỷ lệ đúng giờ lên đến 97%, hoàn thiện dịch vụ 1 điểm đến cho khách hàng: khách hàng sẽ được đặt hàng, feedback, đổi trả đơn hàng ở cùng một nơi.
Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ có thế, trong tương lai Tiki sẽ phát triển mạnh mẽ thêm các ngành hàng như FMCG, mẹ và bé, du lịch; sau này, biết đâu, các bạn có thể mua được những mặt hàng đắt tiền như xe hơi – xe máy trên Tiki. Ở khía cạnh khác, chúng tôi cũng sẽ ra mắt mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiki muốn khách hàng của mình có thể lên Tiki để sắm tất cả những gì mà họ cần trong cuộc sống của mình", ông Nhân Lê - Quản lý phát triển kinh doanh chiến lược của Tiki, tiết lộ.