Quãng đời chạy trốn của Ratko Mladic, một
trong những nhân vật bị truy lùng gắt gao nhất thế giới, đầy những ngả rẽ và
diễn biến - mặc dù ông này không bao giờ thực sự rời khỏi nhà.
Vị tướng 69 tuổi, người phải đối mặt với các cáo buộc thảm sát 7.500 người Hồi
giáo Bosnia ở Srebrenica năm 1995, bị bắt ở một ngôi làng phía bắc Serbia, nơi
ông này sống bằng tên giả. Mladic là nghi phạm tội ác chiến tranh cao cấp nhất
vẫn chạy trốn sau khi chính trị gia Serbia Radovan Karadzic bị bắt vì các tội
tương tự năm 2008.
Khi lực lượng an ninh bắt được Mladic, vị tướng đang sống trong một căn nhà của
người thân - dù trên thực tế, gia đình ông đã đâm đơn yêu cầu tuyên bố Mladic
qua đời, viện dẫn ông vắng mặt đã 7 năm.
Mladic dùng biệt danh Milorad Komadic song không để râu và cũng không dùng bất
cứ đồ cải trang nào.
Mladic trở thành kẻ chạy trốn sau khi bị Tòa án Tội phạm quốc tế truy tố năm
1995 và bị buộc tội diệt chủng, phạm các tội ác chống lại loài người và tội ác
chiến tranh. Ông này đi trốn sau vụ bắt giữ Slobodan Milosevic năm 2001 và ban
đầu trốn trong các cơ sở quân sự Serbia, theo các thông tin tình báo.
Chỉ riêng trong năm 2006, có hai thông tin nhầm lẫn về việc bắt giữ Mladic, một
ở Belgrade và một ở Romania, chưa kể lời đồn đại ông đã bị đột quỵ và gần chết.
Và năm 2009, chương trình "60 phút" của Bosnia đã phát sóng các đoạn video gia
đình về Mladic tại một khu trượt tuyết với 2 phụ nữ được xác định là vợ và con
dâu ông này và các tư liệu đó được cho là được ghi hình năm trước đó.
Danh tiếng của Mladic là một nhà ái quốc Serbia đã mang lại cho ông lòng trung
thành của nhiều người. Trong một cuộc thăm dò mới đây, chỉ có 14% người Serbia
tham gia nói họ sẽ trao nộp ông để lấy giải thưởng 1,3 triệu Euro (1,84 triệu
USD). Và các công tố viên tòa án hình sự thường cáo buộc chính phủ Serbia nấn ná
trong cuộc truy tìm nghi phạm tội ác chiến tranh này.
Để hỗ trợ cuộc truy lùng, Mỹ đã gửi một nhóm chuyên gia FBI tới Belgrade, cùng
với các cảnh sát trưởng đề xuất kế hoạch 11 điểm bắt Mladic. Tuy nhiên, họ bị
chính phủ Serbia đối xử lạnh nhạt, theo các điện tín ngoại giao mà WikiLeaks có
được.
Năm 2009, các nhà ngoại giao Mỹ ngụ ý trong các điện tín rằng Nga, một đồng minh
của Serbia, có thể trợ giúp Mladic.
"Các nhà lãnh đạo Serbia bảo thế này với nhau, thế khác với báo chí quốc tế và
khác nữa với dân chúng nước mình", Maxime Verhagen, Ngoại trưởng Hà Lan khi đó,
nói với Philip Gordon, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu.
Trong những năm gần đây, việc trao nộp Mladic
được coi như một áp lực nhằm vào Serbia để nước này có thể gia nhập Liên minh
châu Âu. Nhiều nhà quan sát chính sách ngoại giao cho rằng, động lực chính trị ở
Serbia đã thay đổi đủ để các quan chức nước này có thể nộp nghi phạm mà không
phải hứng chịu thêm nhiều thiệt hại.
Việc bắt giữ Mladic đặc biệt làm hài lòng Terree Bowers, cựu luật sư Mỹ có trong
tay trát bắt đầu tiên nhằm vào ông này. "Khi tôi nhận trát đó, tôi không nghĩ
lại phải mất 16 năm mới đưa được ông ta ra trước pháp luật", Bowers nói với báo
Huffington Post.
Thanh Hảo (Theo Huffington Post)