Đó là nhận định của PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội về hiện tượng các cơ sở sử dụng những phụ gia, hóa chất không an toàn trong các sản phẩm có nguồn gốc từ ớt.

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện trong tương ớt của sử dụng chất Rhodamine B. Ông có thể cho biết chất Rhodamine B được dùng như thế nào trong các sản phẩm?

Trước hết phải khẳng định rằng, Rhodamine B không được phép dùng trong bất cứ sản phẩm thực phẩm nào.

Rhodamine B là một chất màu đỏ tươi, hình thức rất hấp dẫn. Chất này sản xuất ra không phải dùng cho thực phẩm mà nó là chất hóa học, dùng cho công nghiệp trang trí, in trên tranh vẽ, trên bảng quảng cáo, pha vào sơn để lên màu đẹp.

Chất Rhodamine B cũng có khả năng phát huỳnh quang nếu chiếu dưới ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại.

Tính chất phát quang của Rhodamine B và có màu đỏ đặc trưng nên trong ngành khí tượng thủy văn, các nhà khoa học pha vào nước để theo dõi, phát hiện sự di chuyển, vận động của dòng nước.

{keywords}

Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, với các sản phẩm từ ớt nhưng 3 không: Không đảm bảo sức khỏe, không nhãn mác, không hạn sử dụng, người tiêu dùng không nên sử dụng.

Nhờ tính phát quang của Rhodamine B, các nhà khí tượng thủy văn phát hiện được dòng nước chảy về hướng nào, ngấm xuống đất ra sao.

Chính vì màu sắc bắt mắt, kém hiểu biết của người dân, hoặc các cố tình làm lợi bất chính, ý đồ không tốt nên Rhodamine B đã được đưa liều vào sản xuất thực phẩm.

Trong danh mục các phụ gia thực phẩm của tất cả các nước trên thế giới, kể cả của Việt Nam chất này đều không được phép dùng cho thực phẩm vì tính độc hại của nó.

Vì sao các cơ sở chế biến thực phẩm lại cho Rhodamine B vào các sản phẩm, trong đó có sản phẩm ớt bột, tương ớt? là vì, ngoại trừ ớt xanh và ớt vàng, quả ớt khi chín, có màu đỏ tươi rất đẹp nhưng khi đưa vào sơ chế, chế biến ớt, máu sắc bị biến đổi, không còn màu đỏ tươi như trước. Bởi vậy, đề tạo lại màu sắc đỏ tươi, bắt mắt, Rhodamine B đã được đưa vào sản phẩm để tạo màu sắc đồng nhất.

Tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… các nhà sản xuất ớt bột, ớt khô sử dụng Rhodamine B rất nhiều. Hiện tượng Rhodamine B trong tương ớt cũng được phát hiện đầu tiên ở khu vực miền Trung.

Rhodamine B là một loại độc tố, khi vào cơ thể nó có thể gây ra ung thư cao. Các nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe đã loại trừ Rhodamine B ra khỏi danh mục sử dụng vì tính độc hại cao của nó nên không thể sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.

Ngoài Rhodamine B, còn những chất nào có thể được đưa vào sản phẩm có thành phần từ ớt không thưa ông?

Trên thực tế, Rhodamine B không chỉ dùng đối với tương ớt mà các sản phẩm ớt bột và ớt chưng khác cũng có thể có Rhodamine B. Các sản phẩm ớt xanh, ớt vàng nếu chế biến, làm thành tương ớt và ớt bột mà không cho Rhodamine B màu sắc nhợt nhạt không đẹp mắt, không hấp dẫn.

Nhiều cơ sở sản xuất tương ớt khẳng định rằng, màu đỏ tươi của tương ớt là màu của bột cà chua, bột này vừa an toàn, màu sắc lại đẹp. Tuy nhiên, khi cho bột cà chua vào tương ớt, bột cà chua sẽ có mùi và vị chua không được ưng ý. Vì thế, bột cà chua không còn được sử dụng nhiều trong tương ớt và Rhodamine B đã được chủ động đưa vào sản phẩm.

Việc tạo đặc cho tương ớt, hiện các cơ sở cũng không còn dùng nhiều bột cà chua mà thường dùng CMC (Carboxyl methyl cellulose). Trên thực tế, CMC cũng được phép sử dụng để tạo đặc và tạo dai. Tuy vậy, CMC công nghiệp và thực phẩm lại hoàn toàn khác nhau. CMC thực phẩm an toàn còn CMC công nghiệp thường dùng nông nghiệp, dầu gội đầu… thì không thể sử dụng cho thực phẩm.

Ngoài Rhodamine B và CMC ra, trong tương ớt có thể có một số chất bảo quản như chống mốc, chống chua. Tương ớt được nấu chín, đóng lại bằng chai lọ rất dễ bị vi khuẩn tấn công nên cần phải có chất bảo quản. Chất bảo quản được đưa vào sản phẩm cũng có nghĩa chống lại các vi sinh vật gây hại đối với sản phẩm, kìm hãm, tiêu diệt sinh vật. Với các sản phẩm bảo quản hở, lượng chất bảo quản được đưa vào còn rất cao.

Với các chất bảo quản, nếu được phép sử dụng cũng cần phải đảm bảo liều lượng, không phải tùy tiện cho vượt quá giới hạn được phép của Bộ Y tế.

Trong quá trình từ trồng ớt tới bàn ăn, các thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, chất bảo quản, chất phụ gia cấm sử dụng có thể được đưa vào sản phẩm, cần giảm thiểu các nguy hại trong quy trình đó thế nào thưa ông?

Thực ra, tất cả các loại nông sản thuộc nhóm rau đều có thể nhiễm chất bảo quản và thuốc bảo vệ thực vật. Điều này, trong tương lai, cơ quan chức năng nhà nước cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, giám sát và quản lý chặt chẽ để bảo vệ ớt thu hoạch có chất lượng đảm bảo, an toàn sức khỏe người dùng.

Các chất kích thích và thuốc bảo vệ dùng trên cây và quả ớt thường số lượng không nhiều và không nguy hại bằng những loại nông sản khác. Lượng ớt ăn trong một ngày không nhiều nên các nguy cơ ngộ độc ít hơn các loại rau khác.

Tuy nhiên, với những người có sở thích ăn cay, nhất là người miền Trung và miền Nam, ăn cay nhiều hơn nên các chất bảo vệ thực vật nếu có trên quả ớt, có thể tích lũy trong cơ thể. Vì vậy, khi lựa chọn sử dụng ớt, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

{keywords}

Như vậy, người dùng nên nhận biết và phòng tránh các sản phẩm ớt nghi vấn có chất độc hại như thế nào thưa ông?

Vấn đề nghi ngại nhất hiện nay là người ta đã đưa vào sản phẩm chất Rhodamine B, một chất không được phép dùng trong thực phẩm. Việc đầu tiên với các cơ quan quản lý là phải có thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa với người sản xuất, không được phép đưa Rhodamine B vào chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ ớt.

Bên cạnh đó phải có các chế tài đủ mạnh, xử lý tận gốc và khuyến cáo các tập thể, cá nhân tuyệt đối không được đưa Rhodamine B vào trong các sản phẩm.

Với người dân, những loại ớt có mầu đồng đều, mầu sắc đỏ tươi, bắt mắt… phản ánh tính chất không tự nhiên của sản phẩm. Ở các vùng nguyên liệu khi ớt được thu hái về, màu sắc không được đồng đều mới chính là sự phản ánh tự nhiên của sản phẩm.

Nếu sản phẩm được chế biến ra, đồng đều về màu sắc, điều đó có nghĩa chất tạo mầu đã được sử dụng. Người tiêu dùng có quyền nghi ngại và phản ánh với cơ quan chức năng về những nghi ngại của mình. Cơ quan chức năng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa có quyền lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng.

Để phát hiện Rhodamine B trong sản phẩm không khó, chỉ cần nhìn vào mầu sắc là có thể đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Người tiêu dùng cũng có thể đưa sản phẩm ra ánh nắng mặt trời để biết được hiện tượng phát huỳnh quang nếu sản phẩm có Rhodamine B. Hoặc có thể dùng đèn soi tiền, có tia tử ngoại, nhất là ban đêm để phát hiện rõ hơn về chất Rhodamine B.

Xin cảm ơn ông!

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, mỗi quả ớt thường có 2 phần là phần thịt và phần hột. Phần thịt có nhiều vitamin. Chất cay trong quả ớt có thể kích thích tiêu hóa rất tốt. Còn hạt ớt, chứa lượng chất cay nhất định. Trong sản xuất, sử dụng nếu không loại bỏ hạt ớt, khi sử dụng phải, hạt ớt có thể dính, bám trên thành dạ dày. Lâu ngày, khu vực hạt ớt bám, có thể làm dạ dày sản sinh ra chất nhày kích thích trên thành bề mặt dạ dày và như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe và tiêu hóa. Trong khoa học về đông y, các lương y cho rằng không nên ăn hạt ớt và không nên ăn cay, nóng.

(Theo VietQ)