Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đẩy mạnh tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra.

 

anh bai 14.jpeg
Tỉnh Tuyên Quang có 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Tỉnh cũng ban hành các cơ chế chính sách trong đó khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp như: hỗ trợ HTX thành lập mới có tổ chức sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thành lập mới được hỗ trợ mua máy vi tính và trang thiết bị văn phòng; hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm OCOP; Hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu; hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn; hỗ trợ HTX tham gia Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại; sản xuất hữu cơ; thực hiện các dự án liên kết sản xuất...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 517 hợp tác xã với 8.583 thành viên; có 433 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 104 HTX có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ ba sao trở lên; có 77 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm; 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Hoạt động của các HTX tác động không nhỏ vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục được tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ thể trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao được quan tâm thực hiện nhằm góp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm.

 Tỉnh có 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP có 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%), có 77 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

HTX Sơn Trà được thành lập năm 2018, trụ sở đặt tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, hiện HTX có 20 thành viên. Hiện nay HTX có tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết trên địa bàn là 64 ha. 21 ha chè Shan Tuyết  của HTX đã hoàn thành chuyển đổi theo hướng hữu cơ. HTX tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn ISO, mở cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của HTX và các sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch. Có 03 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 3 sao. Hiện nay HTX đang hoàn thiện sản phẩm OCOP 5 sao trình Trung ương thẩm định, công nhận.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển với nhiều mô hình hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số có quy mô, hiệu quả hoạt động ngang bằng với kinh tế tập thể của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó ít nhất 75% HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết; phấn đấu thu hút trên 20% dân số trong độ tuổi lao động tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.

 Hạnh Nguyễn