- Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh toàn quốc là khoảng 13%, tỷ lệ vô sinh thứ
phát (sau khi đã sinh con) cũng đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng.
Ngày 6/11, ĐH Y Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu y học Đinh Tiên
Hoàng tổ chức "Hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản” tại Hà Nội.
Các báo cáo khoa học tập trung vào các chủ đề chính như: y học sinh sản, hiếm
muộn, vô sinh và hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser trên một số chỉ định thụ tinh
trong ống nghiệm.
Hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản tổ chức ngày 6/11 tại Hà Nội (Ảnh: C.Q) |
Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ vô sinh toàn quốc là khoảng 13%. Tại châu Mỹ và
châu Âu, khoảng 1 - 5% số em bé ra đời từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tỷ lệ vô
sinh trung bình là 13 - 25% và cứ 6 cặp vợ chồng thì có 1 cặp gặp phải vấn đề về
mang thai.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương
thì để điều trị hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên được tư vấn tiền hôn nhân để
phát hiện và điều trị sớm một số bệnh ảnh hưởng đến khả năng mang thai, đồng
thời tránh một số bệnh liên quan đến di truyền.
Vô sinh và hiếm muộn đang là thách thức không nhỏ đối với ngành sản khoa. Hiện
nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, với tỷ
lệ thành công từ 30 đến 40%.
Theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào khoa
sản nhưng kết quả đem lại chưa cao như mong muốn.
Nhiều quốc gia trên thế giới có nền y học phát triển đã áp dụng biện pháp mang
thai hộ và những người mang thai hộ này được trả tiền nhằm đáp ứng nguyện vọng
làm cha mẹ của những cặp vợ chồng vô sinh. Tuy nhiên biện pháp này cũng bị luật
pháp nhiều nước không cho phép.
Để đáp ứng nhu cầu được làm cha mẹ của người dân đất nước mình, tại mỗi quốc gia
sẽ tìm ra những giải pháp thích hợp nhất, phù hợp với quy định pháp luật của
mình.
C.Quyên