“Ukraine đang xem xét và sẽ xem xét các loại máy bay khác để có thể tăng khả năng chiến đấu”, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat trả lời khi được hỏi về khả năng Kiev đề nghị Australia hỗ trợ máy bay F/A-18 Hornets do Mỹ sản xuất. 

Ông Ignat thừa nhận Ukraine không thể gây áp lực quá lớn lên Mỹ và các đồng minh, do phụ thuộc vào chương trình viện trợ của các nước phương Tây.

Máy bay chiến đấu CF-18 Horne của Không quân Hoàng gia Canada. Ảnh: Global Look Press

Theo ông Ignat, các chiến đấu cơ F/A-18 và F-15 do Mỹ sản xuất, cùng tiêm kích Eurofighter Typhoon có tầm hoạt động lớn hơn, và mang theo nhiều vũ khí hơn. Tuy nhiên, Kiev vẫn sẽ tập trung vào việc xin được hỗ trợ tiêm kích F-16 trước, và các phi công Ukraine có thể được đào tạo lái F-16 sớm hơn.

Ông Ignat cho biết thêm, Kiev sẽ không nhận được F-16 cho đến khi hoàn thành đào tạo phi công và đội bảo trì, cũng như cơ sở hạ tầng liên quan sẵn sàng đi vào hoạt động.

Mối lo nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tấn công 

Ông Renat Karchaa, cố vấn của người đứng đầu công ty điều hành mạng lưới hạt nhân Nga Rosenergoatom, cho biết Ukraine đã lên kế hoạch thả đạn có tẩm chất thải hạt nhân xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Số nhiên liệu phóng xạ này được vận chuyển từ một trong 5 nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

"Trong bóng tối vào đêm ngày 5/7, quân đội Ukraine sẽ cố gắng tấn công nhà máy Zaporizhzhia bằng thiết bị chính xác tầm xa, và máy bay không người lái kamikaze", ông Karchaa nói với truyền hình Nga. 

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, ông Karchaa không đưa ra bằng chứng cho nhận định trên. 

Cũng vào ngày 4/7, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo về "những hành động khiêu khích nguy hiểm" của quân đội Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Tuyên bố của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, "các thiết bị nổ" đã được đặt trên nóc lò phản ứng thứ 3 và thứ 4 của nhà máy. Một cuộc tấn công có thể xảy ra "trong tương lai gần".

Ngay trong giai đoạn đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Zaporizhzhia, cơ sở hạt nhân lớn nhất ở châu Âu có 6 lò phản ứng. Hiện không có lò phản ứng nào tại nhà máy này sản xuất điện.