Đây là tuyên bố của người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby trước câu hỏi liệu Washington có lo ngại về cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga “đang diễn ra chậm hơn mong muốn” hay không.

Cuộc phản công được cho đã khiến Ukraine phải trả giá đắt với con số thương vong binh sĩ và thiệt hại vũ khí lớn. Một số quan chức Ukraine còn đang đổ lỗi cho phương Tây chậm bàn giao vũ khí cần thiết nên phản công mới thất bại. 

Cuộc phản công của Ukraine được đánh giá phải hứng chịu tổn thất lớn. Ảnh: AP

“Tôi chắc chắn sẽ không đứng đây, và nói chuyện về cuộc phản công của Ukraine. Họ nên là người làm điều đó”, hãng tin RT dẫn lời ông Kirby. 

Ông Kirby cũng giải thích vì sao các binh sĩ và dàn thiết giáp Ukraine lặp đi lặp lại hành động mà không thể xuyên thủng mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Nga, trải dài hàng trăm km trên chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

“Đôi khi kế hoạch không phải lúc nào cũng diễn ra chính xác như mong đợi, nhưng đó là điều được mong đợi khi tham chiến. Một lần nữa, điều chúng tôi sẽ tập trung vào là đảm bảo cuối cùng họ có thể thành công”, ông Kirby nói thêm. 

Sau nhiều tháng trì hoãn, cuộc phản công của Ukraine đã được tiến hành vào ngày 4/6. Phản công nhưng không có sự hỗ trợ của không quân và phải đi qua các bãi mìn do Nga cài đặt đã khiến quân đội Ukraine chịu thương vong nặng nề. Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/6 ước tính, Ukraine đã mất khoảng 13.000 binh sĩ, và gần 250 xe tăng trong khoảng thời gian từ ngày 4 – 21/6.

Truyền thông phương Tây đưa tin hoạt động viện trợ của Mỹ và NATO cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào cuộc phản công có thành công hay không. Giới chức phương Tây nhận định cuộc phản công của Kiev đang "không đáp ứng được kỳ vọng trên bất kỳ mặt trận nào".

Huấn luyện lái F-16 có thể bắt đầu vào tháng Bảy

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 24/6 cho biết chương trình quốc tế huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 có thể bắt đầu vào tháng Bảy, ngay sau khi chương trình đào tạo đang được soạn thảo được thông qua.

"Những người tham gia huấn luyện đã được xác định, chương trình đào tạo sẽ được quyết định sớm. Tôi có thể lạc quan rằng việc đào tạo sẽ bắt đầu vào tháng Bảy", hãng tin Reuters dẫn lời ông Reznikov.

Kiev cũng đã nhiều lần tuyên bố cần các loại máy bay mới của phương Tây để ngăn chặn quân đội Nga giành ưu thế trên không.

Hiện tại, Đan Mạch và Hà Lan, hai quốc gia thành viên NATO, đang dẫn đầu nỗ lực của liên minh quốc tế nhằm đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ, bảo trì máy bay, và cuối cùng là cung cấp F-16 cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren hồi đầu tháng Sáu cho biết, việc huấn luyện phi công Ukraine lái F-16 có thể bắt đầu ngay trong mùa hè này.