Nông dân, doanh nghiệp chủ động
Vườn rau của gia đình ông Đặng Văn Tánh, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có diện tích hơn 500m2. Sau khi tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ số do hội nông dân các cấp tổ chức, ông Tánh thường xuyên lên mạng Internet để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng rau sao cho hiệu quả cao nhất.
Từ đó, ông Tánh mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính hiện đại; đồng thời ứng dụng hệ thống tưới nước tự động. Từ khi có hệ thống này, gia đình ông tiết kiệm được công lao động, chi phí chăm sóc, vườn rau phát triển tốt hơn nhờ nguồn nước tưới được phân bố đều. Hiện ông Tánh đã tích hợp bộ điều khiển hệ thống tưới nước lên điện thoại thông minh.
Ông Tánh chia sẻ, từ ngày bắt hệ thống tưới phun tự động rất tiện lợi, tôi chỉ cần bật công tắc rồi đi làm việc khác, sau khoảng 1 tiếng đồng hồ là hệ thống tự tắt. Tôi cũng đã cài hệ thống định vị tích hợp lên trên điện thoại nên dù đi đâu xa, tôi cũng điều khiển việc tưới nước cho vườn rau được. Công nghệ phát triển, làm nông nghiệp thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Không riêng gì ông Tánh, ở xã Nghĩa Hà hiện có rất nhiều hộ nông dân đã áp dụng mô hình nhà kính, nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun tự động để trồng hoa, rau an toàn. Nhờ đó, người dân đã giảm được rất nhiều công sức trong việc chăm sóc rau.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đã chủ động trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng doanh thu từ 30 - 50% khi tham gia các sàn thương mại điện tử.
Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Nấm Ninh Trương Trương Quang Ninh, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cho biết, hiện các sản phẩm của chúng tôi đều được giới thiệu và tiêu thụ trên các nền tảng số như YouTube, TikTok, Facebook.
Công ty cũng đã làm những video ngắn về quy trình và cách thức tạo ra các sản phẩm như thế nào để những ai quan tâm có thể tìm hiểu. Qua đó, giúp người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm khi sử dụng sản phẩm của công ty hơn.
Nhà nước đồng hành
Huyện Mộ Đức là một trong những điểm sáng của tỉnh về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được địa phương tích cực triển khai và mang lại hiệu quả cao như: Mô hình “vận hành tưới tự động” trên 50ha tại các xã Đức Minh, Đức Phong, Đức Thạnh; mô hình “trồng hoa ứng dụng công nghệ cao” ở 2 xã Đức Thạnh và Đức Phong; bón phân, bơm thuốc bằng thiết bị bay không người lái (DRONE) trên 100ha lúa tại các xã Đức Hòa, Đức Thắng...
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, địa phương đang tập trung xây dựng mô hình số hóa hồ sơ sản phẩm OCOP, cơ sở dữ liệu, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng suất, gia tăng lợi nhuận, đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Để thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở. Tiếp tục xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR. Qua đó, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại các địa phương trong tỉnh.
Theo Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi)