- Nhiều công trình công cộng đang được “tai mắt” trong nhân dân, thông qua các Ban Giám sát cộng đồng (GSCĐ), để ý theo dõi nhằm đảm bảo không xảy ra thất thoát và kết quả đúng với hứa hẹn ban đầu của chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
>> 6 tỷ đồng cho sáng kiến chống tham nhũng
Mất lòng trước, được lòng sau
Mất ba lần góp ý, bà Lê Thị Ngưỡng mới thuyết phục được đơn vị thi công dãy nhà ki-ốt khối Tân Thanh (phường Tân An, Hội An) rỡ bỏ những cây xà gồ kém chất lượng và thay vào bằng các cây có quy cách, chất lượng như thiết kế ban đầu.
Bà Ngưỡng, 64 tuổi, từng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nay không phải là chủ đầu tư, cũng không đại diện cho cơ quan quản lý dãy ki-ốt đó mà là một trong 9 thành viên của Ban GSCĐ phường Tân An của thành phố Hội An, một đơn vị dân bầu, hoạt động trên cơ sở tự nguyện để giám sát các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng dùng ngân sách công.
Bà cho biết tuy có ngại vì phải va chạm với đơn vị thi công, nhưng với sự thuyết phục kiên trì, hợp lý và vô tư, bà luôn thành công trong việc “uốn nắn” bằng các đề xuất đưa ra kịp thời để chủ đầu tư và đơn vị thi công có thể sữa chữa, tránh tổn thất không cần thiết về sau. “Thà mất lòng trước còn hơn mất lòng sau” - bà Ngưỡng nói.
Giám sát viên cơ sở Lê Thị Ngưỡng |
Cũng ở phường Tân An, một giám sát viên khác là ông Mai Trinh, 60 tuổi - công nhân đường sắt về hưu - làm công tác này từ khi Ban GSCĐ ra đời năm 2005. Công trình ông đang giám sát là thi công vỉa hè và cống thoát nước đường Hải Thượng Lãn Ông.
“Nhiều lần bên thi công thấy tôi tới thì cũng mời đi uống nước. Mời thì cứ đi, nhưng chưa hề có chuyện đưa phong bì. Không bao giờ tôi làm trái lương tâm” - ông Trinh kể về 8 năm làm giám sát cộng đồng của mình. Mỗi nhiệm kỳ là hai năm rưỡi, nhưng lần nào ông cũng được bà con khối phố An Phong tín nhiệm bầu lại.
Một giám sát viên khác là ông Nguyễn Văn Mại ở phường Cẩm Châu, cũng từng kịp thời phát hiện công trình thi công không đảm bảo chất lượng cống thoát nước ở dự án khu dân cư khối Sơn Phô 1 và cuối cùng, đơn vị thi công đã phải đập đi làm lại 20m cống theo đúng yêu cầu thiết kế đã được duyệt.
Ra đời từ quyết định 80/QĐ-TTg năm 2005 về Quy chế giám sát đầu tư công cộng, các ban giám sát như vậy có mục đích khuyến khích khuyến khích người dân theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư.
Quyết định 80 cũng cho phép trong quá trình giám sát, người dân có thể kiến nghị về các việc làm vi phạm các quy định về quản lý đầu tư để kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Ở Hội An, dường như Quyết định 80 đã chứng minh được từ văn bản tới thực tiễn không có khoảng cách quá xa như thực tế thường thấy ở nhiều địa phương khác.
Không còn đơn khiếu nại
Ông Phan Việt Cường, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, cho biết trong năm 2012, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực xây dựng cơ bản do UBND tỉnh giao cho Thanh tra xử lý đã giảm mạnh, riêng năm 2012 con số này bằng 0.
Chủ tịch UBND TP Hội An Lê Văn Giảng cho hay quy trình để giám sát các công trình xây dựng công không hề thiếu, nhưng hễ có sơ hở thì sẽ tạo điều kiện khơi dậy lòng tham. Bởi vậy, Ban GSCĐ với thành viên là những người “trung thực, ít nhiều có chuyên môn và nhiệt tình” dường như là đáp án khá tốt.
Trung thực - để có thể đứng ra giám sát người khác mà không bị mua chuộc; có chuyên môn - để có thể nhìn ra sai phạm; và nhiệt tình - để có thể “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Các thành viên ngoài việc do dân phố tự bầu ra, còn không được có quan hệ gia đình/họ hàng với chủ tịch xã và nhà thầu.
Mỗi một ban thường gồm 5-7 người, có nơi lên đến 9-10 người, kinh phí hoạt động mỗi năm chỉ là 5 triệu đồng/ban, đúng là “uống nước suối đi làm việc thiện” như ông Giảng bình luận.
Ông Nguyễn Văn Mại |
Cũng theo ông Giảng, các “chiêu thức” thường thấy ở công trình xây dựng công cộng gồm lập dự án giá trị thấp nhưng khi thực hiện lại điều chỉnh hiệu suất đầu tư, khiến chủ đầu tư rơi vào thế “đâm lao phải theo lao” để nâng chất lượng công trình.
Hoặc khâu thiết kế cũng cố tình đặt ra những hạng mục vượt mức cần thiết, gây lãng phí mà ông Giảng đánh giá là “do chuyên môn kém thì ít mà do động cơ lợi ích cục bộ thì nhiều”. Do đó, phải có người đi vào ngõ ngách của từng công trình mới có thể phát hiện ra được.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Nụ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Tân An cho biết thời gian đầu mới ra đời, Ban GSCĐ còn rất lúng túng về chuyên môn. Phần lớn thành viên các ban là người về hưu, không phải ai cũng có chuyên môn về thiết kế, xây dựng.
Do vậy, năm 2011, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã lập đề án “Nâng cao năng lực giám sát của Ban GSCĐ”gửi đi dự thi “Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2011” do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ quốc tế tổ chức.
Đề án đoạt giải, số tiền thưởng 290 triệu đồng đã được dùng ngay vào việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giám sát cộng đồng cho 41 Ban GSCĐ tại 41 xã phường thuộc huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh và thành phố Hội An. Thêm vào đó, 3 tổ hỗ trợ hoạt động giám sát cũng được thành lập và trở thành địa chỉ tư vấn, hỗ trợ cho các ban.
Nhờ vậy, các thành viên bắt đầu nắm được những cách thức cơ bản trong việc đọc bản thiết kế, kiểm tra chất lượng và số lượng nguyên vật liệu tập kết… Đồng thời, UBND thành phố cũng ra chỉ thị các công trình chưa có chữ ký của Ban GSCĐ thì không được quyết toán khiến các nhà thầu thi công dần dần phải quan tâm và tôn trọng hơn ý kiến của Ban GSCĐ.
Hương Giang