Bên cạnh các vấn đề định hướng về sản xuất, việc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chuyên sâu cho ngành dệt may- da giày đã được Chiến lược phát triển ngành dệt may- da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng ban hành tại Quyết định 1643 nêu rõ.

Cụ thể, Chiến lược khẳng định cần xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may- da giày lớn (bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải; thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.

Với ngành may, cần dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.

Với ngành da giày, cần phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại 03 miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành Dệt May) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngành da giày cần đặc biệt chú trong thu hút đầu tư các dự án thuộc da có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành.

Khu công nghiệp Rạng Đông- Nam Định

Đáng chú ý, với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung của ngành, Chiến lược nêu, cần hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giầy tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,…), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,…) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,…). Việc tập trung như vậy là nhằm giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trước đó, theo Hiệp hội dệt may Việt Nam và Hiệp hội da giày Việt Nam, một trong các điểm nghẽn lớn cho ngành là sự phát triển của hạ tầng. Các khu công nghiệp dệt nhuộm phát triển chưa mạnh một phần do các chính quyền địa phương e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, đây lại là 1 trong những điểm mấu chốt để gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trong Hiệp định CPTPP. Một số doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn nắm bắt cơ hội, đầu tư các khu công nghiệp dệt may theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Văn Quý