Tiêu hao điện năng do máy móc lạc hậu, năng lực tài chính hạn chế

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề phải thay đổi thêm.

{keywords}
Ảnh minh họa

 

Ví dụ như trong khối các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ…) luyện kim (sản xuất gang, thép…), giấy và bột giấy…Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đang sử dụng những máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, không hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng bên cạnh việc hạn chế về năng lực tài chính để có thể chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu bằng dây chuyền mới hiệu quả về mặt năng lượng hơn.

Mục tiêu đặt ra là phải tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi. Và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi, thói quen của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được nêu ra và được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai thực hiện khá rõ ràng. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc triển khai, cụ thể hoá của các địa phương phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực tế của từng địa phương.

Vai trò của Chính quyền các cấp ở địa phương 

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, cần phải căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để giao kế hoạch (phân bổ) cụ thể và gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư... Như vậy, về mặt khoa học, chúng ta có thể phân bổ mục tiêu tiết kiệm 8 – 10% của cả nước cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng với các địa phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố và gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu đã được thống nhất xác định.

Trong bài phân tích mới đây, Tiến sĩ Phương Hoàng Kim – Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương, để tổ chức thực hiện được mục tiêu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, sự vào cuộc của Chính quyền các cấp ở địa phương (Ủy ban nhân dân các cấp) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định.

Tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền; bố trí kinh phí thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; Tổ chức, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; Chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý.

Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được nêu ra và được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai thực hiện khá rõ ràng. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc triển khai, cụ thể hoá của các địa phương phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực tế của từng địa phương.

Duy Linh