Để bù đắp nợ xấu, các công ty tài chính thường cho vay tiêu dùng với lãi suất "cắt cổ", trong khi các quy định về lãi suất, đặc biệt đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, vẫn chưa có.
Mệt vì lãi suất
Thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, xem xét hồ sơ và giải ngân nhanh là những ưu điểm khiến cho vay tiêu dùng thu hút được nhiều người có nhu cầu.
Chính vì thế, gần đây, nhiều trang web, nhiều tờ rơi giới thiệu về dịch vụ cho vay tiêu dùng liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, len lỏi tới tận công trường, ngõ ngách, hẻm phố... với lời chào mời hấp dẫn. Chỉ cần có giấy tờ tùy thân, đi làm hưởng lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên hoặc tự doanh mọi cá nhân đều có thể vay từ 10 triệu đến 200 triệu đồng, thậm chí là 300 triệu. Các loại giấy tờ chỉ cần nộp bản sao và hồ sơ đều dễ dàng.
Rất nhiều người có mức thu nhập trung bình trở xuống đang cần tiền chi tiêu cho nhu cầu cá nhân và gia đình đã tìm đến dịch vụ này. Anh Phạm Minh Tuấn - taxi hãng Mai Linh tại Hà Nội, cho hay do cần mua 1 chiếc xe máy trong khi chưa đủ tiền, anh đã đến hỏi dịch vụ vay tiêu dùng của 1 công ty tài chính. Với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, anh dễ dàng vay được khoản 30 triệu đồng để mua xe trả góp trong vòng 36 tháng, cả gốc lẫn lãi phải trả mỗi tháng 1,3 triệu đồng - mức anh có thể chấp nhận được.
Theo một số công ty tài chính, khách hàng của họ chủ yếu là những người có thu nhập thấp: một gia đình công nhân muốn sửa lại căn bếp, mua cái máy giặt, chiếc bếp ga mới... đều dễ dàng vay được ngay. Càng về cuối năm, nhu cầu chi tiêu cao thì số lượng khách hàng đến vay cũng tăng lên.
Dịch vụ thuận tiện, nhanh gọn, tuy nhiên lãi suất cho vay thì rất cao. Hiện mức lãi thông thường từ 13% - 25%/năm đối với ngân hàng thương mại, 24% -25%/năm đối với các tổ chức tín dụng và thẻ tín dụng là 20% -28%/năm. Trên thực tế, có công ty cho vay với lãi suất lên tới 36%/năm, thậm chí tới 55%/năm.
Lý giải việc này, các công ty tài chính viện dẫn lý do vì cho vay tín chấp rủi ro cao nên lãi suất phải cao. Giám đốc một công ty tài chính phân trần, 1 người có mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng có thể được vay 36 triệu đồng, tức bằng 1 năm đi làm. Nếu họ làm được nửa năm - vì lý do nào đó phải nghỉ việc - thì sẽ không có thu nhập, vì vậy cũng không thể thanh toán khoản nợ nên rủi ro là rất cao.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay nợ xấu của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng rất cao, vì vậy để bù đắp cho khoản nợ khách hàng đến vay thường phải chịu lãi suất "cắt cổ" để bù vào. Trong khi đó, các quy định về lãi suất, đặc biệt đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, hiện vẫn chưa có.
Đừng nhìn vào số tiền trả hàng tháng
Các chuyên gia cảnh báo khách hàng cần cẩn thận khi vay tiêu dùng, nếu không muốn món vay trở thành gánh nặng trong thời gian dài.
Khách hàng khi vay phải xem xét kỹ hợp đồng, lãi suất của bên cho vay đưa ra chứ không phải nhìn vào số tiền trả hàng tháng là bao nhiêu. Đôi khi với số tiền vay ít, số tiền trả góp hàng tháng cũng ít, nhưng tính ra thì lãi suất lại rất cao.
Thường thì cách mà bên cho vay áp dụng là tính theo lãi suất đầu kỳ, tức khách vay dù các tháng sau trả nợ gốc rồi nhưng số tiền lãi vẫn tính như tháng đầu. Ví dụ, khách hàng vay 100 triệu đồng trong 12 tháng, lãi trả khoảng 1.600.000 đồng/tháng, cùng với đó là 8.300.000 đồng nợ gốc. Tháng đầu như vậy không vấn đề gì, nhưng sang tháng thứ 2, khi số nợ gốc giảm xuống còn 91,7 triệu đồng, đáng ra lãi phải trả giảm theo chỉ còn khoảng 1.512.000 đồng, thì với gói vay này lãi phải trả vẫn giữ nguyên 1.600.000 đồng. Tháng thứ 3 cũng tương tự như vậy, cho đến tận tháng thứ 12 khi nợ gốc chỉ còn 8,3 triệu đồng thì lãi suất vẫn phải trả 1.600.000 đồng/tháng.
Đặc biệt là những điều khoản phạt. Thường người vay phải trả nợ đúng thời hạn, khách hàng muốn thanh lý sớm sẽ bị phạt, mà càng sớm thì mức phạt càng cao. Đã có trường hợp khách hàng vay và trả nợ rất đúng cam kết, nhưng muốn vay thêm, nhân viên công ty tư vấn là nên ký thanh lý hợp đồng sớm, làm hợp đồng mới cho vay lãi suất thấp hơn. Khi ký thanh lý rồi mới biết bị phạt mà hối không kịp. Ngoài ra, lãi suất các khoản vay có thể sẽ tăng lên do hợp đồng chỉ ghi chung chung là lãi vay theo thị trường, vì thế sự cẩn trọng từ phía khách hàng là không thừa.
Tín dụng tiêu dùng là hình thức cung cấp tín dụng cho cá nhân thông qua nghiệp vụ cho vay mua trả góp, phát hành thẻ tín dụng và cho vay bằng tiền, trong đó số tiền vay được sử dụng vào việc thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hay tiêu dùng như mua sắm đồ đạc gia dụng, nhà cửa, phương tiện đi lại. Tại Việt Nam hiện nay, tín dụng tiêu dùng mới chiếm khoảng 7% tổng dư nợ nền kinh tế - một con số quá nhỏ bé. Tuy nhiên, dịch vụ này đang có xu hướng ngày càng phát triển do nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao và những tiện ích mà nó mang lại. Đặc biệt, Việt Nam là nước có dân số trẻ, có khả năng mua sắm cao nên dịch vụ này vẫn còn nhiều tiềm năng. Ước tính, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD) trong thời gian tới. |
Trần Thủy