Công ty Piaggio Việt Nam vừa công bố bán ra thị trường một phiên bản Vespa mới có tên Picnic, giúp thương hiệu xe Ý hiện có tất cả 7 mẫu xe và 31 phiên bản giới thiệu tới người Việt. So với 4 thành viên còn lại trong VAMM (Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam), Piaggio Việt Nam hiện kinh doanh ít sản phẩm xe máy nhất và chỉ tập trung làm xe tay ga.

{keywords}
Vespa Picnic ra mắt đầu tháng 4 với giá đắt thứ nhì dòng Primavera 

Thị trường xe máy Việt Nam hiện nay đang rơi vào thời điểm suy thoái do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế trong dịch covid-19, cùng với sức ép cạnh tranh tăng dần của xe máy điện. Theo VAMM, lượng tiêu thụ xe máy năm 2020 là 2.712.615 xe, giảm tới 16,66% so với năm 2019.

Để cải thiện tình hình doanh số giảm, các hãng xe bắt đầu chiến dịch ra mắt xe mới từ nửa cuối năm ngoái, như Honda với MSX125, Sh Mode, Yamaha Exciter tung NVX 155cc, Exciter 155cc. Ngay chính Piaggio dù thị phần kém xa 2 hãng xe Nhật cũng tham gia cuộc đua với Medley bản nâng cấp, thêm Liberty 50cc, Vespa Seigorni ABS.

Với việc ra mắt Vespa Primavera Picnic có giá lên tới 88 triệu đồng, đắt hơn 11,5 triệu đồng so với bản Primavera thường, hãng xe Ý muốn nhắm tới nhóm khách hàng thiểu số khi tuyên bố chỉ sản xuất 300 chiếc. Chiến lược này khá giống với chiếc Vespa Primavera Sean Wotherspoon ra mắt tháng 7/2020 chỉ có 50 chiếc bán ra tại Việt Nam, giá lên tới 135 triệu đồng. 

{keywords}
Phiên bản Vespa mới thực tế chỉ là nâng cấp đồ chơi, phụ kiện theo chủ đề vốn thường thấy ở hãng xe Ý trong nhiều năm qua.

Vậy khi định vị giá đắt tương đương một chiếc tay ga bánh lớn như Honda SH 125 ABS (giá thị trường khoảng 89 triệu đồng), Vespa Primavera Picnic có gì đặc biệt?

Thực tế về mặt thông số, chiếc xe này chỉ là nâng cấp dạng “bình mới rượu cũ”. 

Đầu tiên về ngoại hình, so với Vespa Primavera bản S giá 76,5 triệu đồng, chiếc Vespa Picnic không khác gì ngoài việc được “độ” thêm các chi tiết mang tính phụ kiện. Khi bỏ ra thêm 11,5 triệu đồng, người mua sẽ có thêm mào xe màu crôm, vành bánh sơn trắng, yên xe bọc da nâu điểm cờ Ý, gá kẹp đồ trước và sau kèm dây da màu nâu, túi giỏ mây kèm thảm trải dã ngoại.

Bên cạnh đó, để phân biệt so với hàng sản xuất không giới hạn, chủ xe nhận được móc gắn chìa khóa và giấy chứng nhận có số thứ tự tương ứng. Tuy nhiên, giá bán chênh so với bản Primavera thường lại đúng bằng bộ phụ kiện full mà trước đây các khách mua Primavera hay Sprint vẫn được các đại lý chào mời mua. Với số tiền khoảng 11,6 triệu đồng, khách sẽ được lắp đủ đồ gồm thanh bảo vệ trước/sau, giá đèo hàng trước và sau.

Trong khi đó, về mặt sức mạnh và công nghệ, chiếc Vespa Primavera Picnic không thay đổi chút gì so với lần ra mắt Primavera và Sprint có ABS cách đây 5 năm. Theo thời gian, giá xe tăng thêm khoảng 3-4 triệu đồng khi được thêm màu sắc, đổi kiểu theo từng chủ đề. Nhưng so với sự thay đổi chóng mặt về trang bị và công nghệ ở các đối thủ Nhật Bản, Vespa và ngay cả Piaggio đang dần bị thụt lùi dù là hãng xe sớm áp dụng phanh ABS vào xe tay ga.

Về mặt thị trường, xe Vespa, Piaggio lâu nay bị “đóng đinh” định vị ở phân khúc tay ga đắt tiền, bó hẹp đối tượng khách hàng nên dù đã hơn 1 thập niên có mặt tại Việt Nam, thị phần hãng xe Ý vẫn đứng nhóm cuối trong VAMM. Doanh số bán xe của Piaggio Việt Nam liên tục lao dốc từ 2013, giảm với khoảng 55.000-56.000 xe xuống 44.000 xe năm 2017. Sau năm 2017, lãnh đạo hãng xe này quyết định không công bố lượng tiêu thụ với báo chí nữa, thay vào đó là những câu trả lời mang tính khích lệ, ẩn ý.

{keywords}
Kinh doanh xe máy "lãng mạn" kiểu Ý trên dòng Vespa ngày nay đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi các đối thủ tìm cách kéo doanh số bằng công nghệ và hiệu quả sử dụng.

Ưu thế của xe Vespa hiện nay mặc dù vẫn được nhìn nhận là thiết kế thời trang kế thừa từ quá khứ, nhưng hiệu năng sử dụng của xe kém lại đang là rào cản lớn nhất để mở rộng khách hàng. Đơn cử như vỏ xe bằng kim loại ghép nguyên khối khiến tổng trọng lượng dòng Primavera hay Sprint 125 lên tới trên 120 kg, trong khi ở một chiếc tay ga bánh lớn tầm trung như Honda Sh Mode cũng chỉ 118 kg.

Dù trang bị động cơ thế hệ mới i-Get phun xăng điện tử tiết kiệm nhiên liệu hơn so với dòng LX trước đây nhưng Vespa Primavera vẫn bị chê tốn xăng. Theo công bố từ Cục đăng kiểm vào năm 2019, mẫu xe này có mức tiêu thụ 2,7 lít/100km, và sang năm 2020, mức tiêu thụ giảm còn 2,52 lít/100km. Trong khi đó ở mẫu Honda Sh Mode là 1,9 lit/100km hay Yamaha Grande là 1,69 lít/100km.

Cuối cùng, nhược điểm lớn nhất ở dòng xe Vespa vẫn là chi phí sử dụng và giá trị bán lại thường đối nghịch nhau, chưa hề được cải thiện. Theo anh Đào Quốc Dương (chủ cửa hàng xe máy trên phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội), dòng Primavera/Sprint cá tính nhưng trượt giá nhanh ngay sau năm đầu tiên sử dụng, lên tới 10 -15% giá trị xe, trong khi ở xe Nhật thấp hơn nhiều, thậm chí còn tăng ngược giá như trường hợp Honda SH, AirBlade. “Thường thấy nhất là các lỗi dễ gặp như hỏng IC, họng hút, côn giật, cốp xe nhanh nóng..., khách phải thay đồ phụ tùng giá đắt, không dễ sửa như ở xe Nhật”, anh Dương nhận xét.

Trong bối cảnh thị trường đang thay đổi chóng mặt, các hãng xe máy truyền thống đua nhau thay đổi công nghệ chiều lòng khách hàng từ sức ép không nhỏ từ xe điện ngày càng đẹp và tiện ích hơn, thì sự “chậm chân” của Vespa khi đi theo con đường riêng, níu kéo quá khứ và chỉ tập trung vào thời trang, sẽ khó thể bật hẳn lên với một sản phẩm giá “chát” như Vespa Primavera Picnic.

Đình Quý

Bạn có suy nghĩ gì về mẫu xe mới của Vespa? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn! 

"Tứ đại gia" xe máy Nhật Bản bắt tay chế tạo pin dùng chung

"Tứ đại gia" xe máy Nhật Bản bắt tay chế tạo pin dùng chung

Họ gọi nó là dự án Voltron, với hy vọng có thể sử dụng chung khối pin để lắp lẫn lên các loại xe máy điện của 4 hãng xe máy lớn nhất Nhật Bản.