Anh nhận xét thế nào về hiện trượng Flappy Bird trong thời gian qua, đặc biệt là ở khía cạnh truyền thông?
Flappy Bird đã tạo ra cơn sốt toàn cầu. Vì bất cứ lý do gì thì đây cũng là niềm vui ngày đầu năm mới với cộng đồng các doanh nghiệp làm game, các lập trình viên viết game tự do và cả với những người yêu game. Tôi không thể đại diện cho bất cứ ai nên không thể nói những câu như là "niềm vui chung của người Việt Nam" nhưng cá nhân tôi thấy rất vui khi Flappy Bird được các hãng truyền thông lớn của nước ngoài ca tụng, hoặc đưa tin.
Nhiều người cho rằng, việc Flappy Bird thành công là nhờ may mắn khi được truyền thông, đặc biệt là các blogger nổi tiếng nước ngoài, admin các diễn đàn lớn, hay các thành viên trên mạng xã hội… ủng hộ. Anh có đồng ý với quan điểm đó không?
Tôi không có chuyên môn làm game nên không biết cụ thể game này thành công vì yếu tố gì ở trong game. Nhưng phân tích dưới khía cạnh truyền thông tiếp thị căn bản nhất cho một sản phẩm thì chúng ta sẽ xét đến 4 yếu tố là Sản phẩm, Giá, Kênh phân phối và Chiêu thị.
Flappy Bird được đưa lên App Store và Android Market, là 2 cái "chợ ứng dụng" lớn nhất thế giới nên yếu tố Kênh phân phối như vậy là đã ổn. Game được bán với giá 0đ, tức là có mức giá tiếp cận được với tất cả người dùng. Việc truyền thông nước ngoài, bao gồm cả các blogger và admin diễn đàn lớn trên thế giới ủng hộ và "nói tốt" thì đó là thành công về mặt chiêu thị. Như vậy, 3 yếu tố quan trọng của marketing thì Flappy Bird đều làm tốt cả. Yếu tố cuối cùng là "sản phẩm", tức là tự thân game đó có hấp dẫn người chơi hay không thì thực tế đã chứng minh qua số lượng lượt tải, lượt bàn tán và chia sẻ ganh đua, khoe chiến tích về game ở khắp nơi trên thế giới.
Như vậy, game thành công nhờ làm tốt cả 4 yếu tố chứ không thể nói là chỉ nhờ truyền thông được. Nhưng rõ ràng có hàng ngàn, hàng vạn game khác cũng miễn phí, cũng phân phối qua cả App Store và Android Market mà không nổi tiếng. Suy ra yếu tố Sản phẩm và Truyền thông của Flappy Bird đạt được thành công ngoài mong đợi.
Trên Twitter, Nguyễn Hà Đông cho biết, báo chí và mọi người đang nói quá nhiều về sự thành công của anh và đó là điều anh không muốn và xin được yên. Và thực tế Đông cũng đã tìm rất nhiều cách để “trốn tránh” các phương tiện truyền thông, theo Long, Đông có nên làm vậy không?
Vừa rồi Đông tiết lộ với một cơ quan truyền thông lớn ở nước ngoài về doanh thu khủng của game. Rồi một số tin đồn đang lan truyền trên Twitter nói rằng hãng Nintendo đang kiện chủ sở hữu game Falppy Bird đòi 6 tỷ USD tiền bản quyền hình ảnh. Mặc dù chỉ là các "tin đồn" nhưng cũng đáng để tác giả lưu tâm. Game của Đông sử dụng ít nhất 6 hiệu ứng âm thanh, 2 loại font chữ và nhiều hình ảnh. Tất cả các "nhu liệu" đó đều có thể bị kiện đòi chia sẻ doanh thu nếu Đông không giữ đầy đủ bản quyền thương mại.
Một "bài hát" mình muốn sử dụng phải có đủ các quyền tác giả, quyền ghi âm và quyền biểu diễn. Cứ thiếu là bị kiện. Mà đã bị kiện là phải chia sẻ doanh thu cho chủ sở hữu quyền. Mà khi đã xảy ra kiện cáo, những phát ngôn của mình trên báo chí đều có thể trở thành bằng chứng chống lại trước tòa. Tôi nghĩ Đông rất nên tiếp tục "trốn" báo chí như hiện tại. Vì theo dõi thông tin trên truyền thông tôi được biết Đông chỉ là một lập trình viên, và có đam mê với lĩnh vực làm game cho di động. Tức là Đông chưa được trang bị nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế khi làm việc với truyền thông. Kể cả truyền thông trong nước và quốc tế. Đông có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề "vạ miệng" nếu phát ngôn không khéo.
Theo anh, khi nào thì tác giả Nguyễn Hà Đông nên xuất đầu lộ diện?
Tôi thấy truyền thông quốc tế cũng như trong nước đã rầm rộ rằng Flappy Bird là game có doanh thu khủng. Thế thì sẽ làm cho nhiều bên nóng mắt. Bây giờ có nâng cấp game để thay font mới, chèn nhạc có bản quyền, bỏ hình ảnh ống-cống-xanh của Nintendo thì vẫn chết!
Các chủ thể quyền đã có trong tay đầy đủ bằng chứng cả về mặt xâm phạm quyền lẫn hành vi trục lợi bất chính để bắt chủ game phải bồi thường (thông qua các tiết lộ của Hà Đông với truyền thông Quốc tế như CNN, Forbes...).
Cuộc chơi bản quyền, nhất là trên môi trường quốc tế không đơn giản một chút nào. Tất nhiên, trong trường hợp của Hà Đông thì "thông cảm được" vì bạn ấy không định cố tình vi phạm nhằm tạo ra game trị giá triệu đô. Chỉ là một thành công ngẫu nhiên không ngờ tới. Nếu am hiểu sâu sắc về luật bản quyền, và biết chắc Flappy Bird có thể thu về doanh thu quảng cáo 1 tỷ VNĐ mỗi ngày, chắc Hà Đông không ngu dại gì mà tiếc vài trăm ngàn hay vài triệu VNĐ để mua bản quyền nhạc, hình, font chữ từ khi game chưa được phát hành.
Còn bây giờ nếu các chủ thể quyền "xông vào" kiện, họ không đòi vài triệu VNĐ như việc mua bán lúc đầu, mà sẽ đòi chia sẻ doanh thu. Trên thế giới có nhiều công ty được lập ra mà không kinh doanh gì hết. Họ chỉ mua bán bằng sáng chế và đi kiện cáo. Cuối năm 2012, Google mua Motorola với giá 12.5 tỷ USD. Đầu năm 2014, Google bán lại Motorola cho Lenovo với giá gần 3 tỷ USD nhưng giữ lại hơn 17.000 bằng sáng chế của hãng điện thoại lừng lẫy một thời này. Tức là, Google định giá 17.000 bằng sáng chế đó giá trị tới 9 tỷ USD. Apple cũng có hàng trăm ngàn bằng sáng chế. Mọi thứ bạn nhìn thấy và không nhìn thấy ở chiếc điện thoại iPhone bạn đang sử dụng đều được bảo hộ quyền. Thí dụ tiêu biểu như chức năng Slide-to-unlock và thanh-cuốn-ẩn-đi là những phát minh được bảo hộ của Apple và giúp hãng thu về hàng trăm triệu USD chỉ từ việc đi kiện cáo.
Nếu tôi là Đông, tôi sẽ xem xét lại thật kỹ các khía cạnh bản quyền và pháp lý của game; tiến hành thay đổi, bổ sung những gì "hở sườn" trước khi để truyền thông vào săm soi mọi thứ.
Từ sự kiện Flappy Bird, theo anh, đối với một game trên di động, truyền thông có vai trò quan trọng như thế nào?
Không chỉ là game trên di động mà với bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào thì truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Kể cả là truyền thông truyền thống hay truyền thông xã hội. Bạn có một sản phẩm tốt có khả năng tự lan truyền đi được thì phải tìm đến đúng nơi đúng chỗ để tạo ra một điểm bùng phát, từ đó mọi thứ được phát tán đi nhanh chóng. Riêng với trường hợp của Nguyễn Hà Đông, tôi rất thích thú khi "điểm bùng phát" đấy lại có khởi đầu từ các blogger có tầm ảnh hưởng và các trang blog cá nhân viết về công nghệ. Vì nó nói lên 2 việc. Thứ nhất là, truyền thông xã hội đang ngày càng tạo ra tác động xã hội sâu rộng. Thứ hai là, cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận truyền thông xã hội sẽ dễ dàng hơn và chi phí rẻ hơn truyền thống truyền thống rất nhiều lần.
Xin cảm ơn anh!