Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ Y tế, cũng thông tin Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3, sau Indonesia và Lào trong khu vực ASEAN.
Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, giá của sản phẩm này ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2020, để có thể so sánh một cách công bằng giá thuốc lá giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau thì giá bao thuốc Marlboro ở các nước được chuyển đổi thành giá theo đô la quốc tế PPP trong đó khi qui đổi thì sự khác nhau về mức thu nhập đã được tính toán.
Với đơn vị quy đổi này, giá trung bình một bao thuốc Marlboro ở Việt Nam là 2,82 USD PPP/1 bao (tính theo sức mua tương đương), chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (5,62 USD PPP/bao) và giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020.
Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Luật PCTHTL và xuất phát từ yêu cầu thực tế một số yếu tố hình thành giá thay đổi tác động đến giá bán, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-BTC ngày 8/1/2016 về giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá loại phổ thông có đầu lọc tiêu thụ trong nước đối với bao cứng là 4.390 đồng/bao; bao mềm là 3.860 đồng/bao, mỗi bao thuốc lá có 20 điếu. Mức giá này là giá bán của doanh nghiệp trên phương tiện của bên mua, đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Nguyên nhân
Theo Quỹ Phòng chống thuốc lá, nguyên nhân chính của giá thuốc lá thấp vì thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) năm 2014, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.
Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ (năm 2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN. Ví dụ, Thái Lan là 78,6% giá bán lẻ, Singapore là 67,1% giá bán lẻ, Indonesia 62,3% giá bán lẻ. Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt 75% mới đảm bảo là mức thuế tối ưu để kiểm soát sử dụng sản phẩm độc hại này.
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá gồm:
- Năm 2008: tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%
- Năm 2016 (sau 8 năm): tăng từ 65% lên 70%
- Năm 2019 (tiếp sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại. Cụ thể:
Giai đoạn 2006-2008: mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007).
Năm 2016 thuế thuốc lá mới được tăng tiếp và với biên độ nhỏ hơn là 5%. Đến 2019 cũng tăng với tương tự là 5%. Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào năm 2020 (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 3.897 triệu bao năm 2007 xuống 3.571 triệu bao năm 2008 nhưng tăng trở lại 3.934 triệu bao năm 2008).
Giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019: Mức tăng rất thấp, bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận.
Như vậy, có thể thấy, giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với giá sản phẩm thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.
Để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ Y tế kêu gọi:
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về PCTH thuốc lá, như: thường xuyên truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng thuốc lá; thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá; tiếp tục ủng hộ việc tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá,… để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.
Đề nghị các bộ, ngành và UBND các cấp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá.
Đồng thời, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ cho các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị và các tỉnh, thành phố thực tốt Luật PCTH thuốc lá.
Bộ Y tế cũng Đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Lan Anh