Nguyên nhân khiến Trường Trung cấp Y dược Văn Hiến (TP Thanh Hóa) bị ngừng tuyển sinh suốt hơn 5 năm qua được cho là do UBND tỉnh Thanh Hóa ra 2 quyết định sai, dẫn đến trường không thể hoạt động.

2 quyết định "lạ"

Trường Trung cấp nghề tư thục Văn Hiến được thành lập từ năm 2007 theo quyết định số 3139 của UBND tỉnh Thanh Hóa, do 3 thành viên góp vốn sáng lập gồm: ông Đàm Lê Đồng, Nguyễn Đức Tâm và ông Vũ Ngọc Kha.

{keywords}

Trường Trung cấp Y dược Văn Hiến suốt 5 năm qua không được tuyển sinh

Tháng 6/2009, tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 1868/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Trung cấp Văn Hiến trên cơ sở chuyển đổi từ Trường Trung cấp nghề tư thục Văn Hiến. Trong nội dung của quyết định này không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Thanh Hóa lại đưa vào cụm từ “Trường Trung cấp nghề Văn Hiến là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân”.

Đến tháng 6/2011, tỉnh Thanh Hóa lại ban hành quyết định số 1800/QĐ-UBND về việc đổi tên Trường Trung cấp Văn Hiến thành Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến, và vẫn giữ nguyên cụm từ “trường thuộc công ty cổ phần Minh Tân”.

Vì cụm từ trên, nhà trường đã liên tục khiếu nại nhưng vẫn không được giải quyết. 

Đến tận tháng 6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành công văn 6012 giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh khiếu nại của Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến và kiến nghị biện pháp giải quyết cho tỉnh.

Tháng 8/2015, Sở Tư pháp có văn bản số 1552/STP-KTVB về việc đề xuất giải quyết yêu cầu của Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến.

Mâu thuẫn với Sở Tư pháp

Kết quả xác minh, kiểm tra của Sở Tư pháp đối với hai quyết định 1868 và 1800 cho thấy, Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, hai quyết định này có nhiều nội dung không phù hợp với pháp luật.

{keywords}

Công văn của Sở Tư pháp đề xuất giải quyết yêu cầu của trường 

Cụ thể, đối với trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục thì việc thành lập là do tổ chức hoặc cá nhân. Nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch tỉnh ban hành quyết định “cho phép thành lập”. Tuy nhiên, quyết định số 1868/QĐ-UBND ngày 18/6/2009 lại ban hành quyết định “thành lập” (quyết định thành lập chỉ áp dụng đối với trường trung cấp chuyên nghiệp công lập).

Trong quyết định 1868 có cụm từ “là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân”, cụm từ này mâu thuẫn với cụm từ “có tư cách pháp nhân” về địa vị pháp lý của trường.

Hơn nữa, cụm từ “là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân” không phù hợp với pháp luật, bởi công ty cổ phần Minh Tân là doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp chỉ xác định doanh nghiệp có hai đơn vị phụ thuộc là văn phòng đại diện và chi nhánh. Về địa vị pháp lý, công ty cổ phần Minh Tân là một pháp nhân, như vậy công ty cổ phần Minh Tân không thể tồn tại một pháp nhân (Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến) “trực thuộc” hay “phụ thuộc” hay “thuộc” mình.

Điều quan trọng, trong quyết định 3139/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Trường Trung cấp nghề tư thục Văn Hiến không có nội dung “thuộc công ty cổ phần Minh Tân”. Khi chuyển đổi từ Trường Trung cấp nghề tư thục Văn Hiến thành Trường Trung cấp Văn Hiến không có cơ sở pháp lý để trường thuộc công ty cổ phần Minh Tân.

{keywords}

Ông Vũ Ngọc Kha, Phó hiệu trưởng nhà trường bức xúc vì các quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa

Như vậy, Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến khiếu nại hai quyết định trên là có cơ sở. 

Do đó, Sở Tư pháp đã tham mưu, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế 2 quyết định nói trên để khắc phục những nội dung không phù hợp đảm bảo cho trường hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, hay vì thực hiện theo tham mưu của Sở Tư Pháp, tháng 10/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 3816/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của Trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến. 

Nội dung quyết định cho rằng trường này khiếu nại bỏ cụm từ “Trường Trung cấp Y dược Văn Hiến thuộc công ty cổ phần Minh Tân” là không có cơ sở nên vẫn giữ nguyên quyết định 1868 và 1800/QĐ-UBND!

Lê Anh