- Ông Trần Đức Cảnh có 16 năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực tại Bang Massachusetts, và hơn 10 năm làm công tác tư vấn cho đại học Harvard trong công tác tuyển sinh cấp cử nhân. Ông nhận xét về những dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT.

 

{keywords}
Ông Trần Đức Cảnh: “Cầncó sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành và xã hội nếu như muốn đổi mới giáo dục thànhcông”

Không nên làm cho vấn đề thi cử phức tạp hơn

- Bộ GD-ĐT sẽ làm phức tạp thêm vấn đề nếu theo đề xuất hiện nay, với việc miễn thi 20%. Theo tôi đã là học sinh giỏi, xuất sắc thì phải chứng tỏ được mình không chỉ thể hiện qua các môn học trong lớp mà cũng phải qua kỳ thi như những học sinh khác. Có thi như mọi người mới chứng tỏ được có phải thật sự khá giỏi 20% hay không. Việc miễn thi cũng sẽ động tới những yếu tố vùng miền, đối tượng ưu tiên .. sẽ vô cùng phức tạp.

Việc quy định kết quả tốt nghiệp sẽ dựa vào 50% điểm kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp 12 là không cần thiết. Kết quả học tập của 3 năm THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT nên độc lập.

Khi xét tuyển vào đại học người xét sẽ dễ dàng phân biệt, không lẫn lộn trong việc đánh giá học và thi theo các tiêu chí riêng của trường.

Vậy thì chúng ta nên thay đổi các kỳ thi như thế nào, thưa ông?

-  Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang theo hướng là vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu đây là phương án lâu dài, và mục đích là để kiểm tra kết quả học tập bậc THPT. Đồng thời các trường cao đẳng, đại học có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp cho việc xét tuyển, thay vì thi đại học như hiện nay.

Tôi nghĩ thời gian của kỳ thi này nên rút ngắn lại và việc tổ chức thi đơn giản, khoa học và hiệu quả hơn, vừa đánh giá kiến thức học và cả năng lực, thay vì theo kiểu thuộc bài hay học tủ.    

Nhìn sang một mô hình khác, mà cụ thể mô hình tôi có nhiều kinh nghiệm, là mô hình của Mỹ.

Có một khung yêu cầu, nếu học sinh đạt thì cấp bằng trung học và không phải thi tốt nghiệp giống như Việt Nam. Nếu chọn mô hình này, chúng ta phải tổ chức lại chương trình học của THPT, thậm chí cả bậc THCS và Tiểu học cũng phải cấu trúc lại cho phù hợp và đồng bộ.

Ở bậc THPT (lớp 10, 11, 12) mỗi học kỳ, học sinh phải học từ 5 – 6 môn, trong 3 năm học phải hoàn tất từ 30 – 36 môn, bao gồm Toán, Lý, Hóa, Văn, các môn cơ bản yêu cầu và môn tự chọn… cách học theo tín chỉ, học xong môn nào thi môn đó.

Một học kỳ, thời gian học sinh học trong lớp khoảng 18 giờ/tuần, thời gian tự học, đọc và nghiên cứu, làm bài rất nhiều. Mỗi một môn có thể thi 3 - 5 lần hoặc hơn trong một học kỳ; với các bài kiểm tra trên lớp, bài tập làm ở nhà, bài luận, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ.

Tuy chương trình học không quá dồn nén hay nặng nề, nhưng buộc người học sẽ phải học, chuẩn bị khá nhiều và liên tục.

Nếu tổ chức hệ thống như vậy chỉ cần học sinh đảm bảo đủ tín chỉ yêu cầu là hoàn thành xong bậc THPT, mà không phải qua kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay. Điều này có thể khắc phục dần thực trạng ở Việt Nam là suốt thời gian dài học sinh tập trung cho một kỳ thi, xong là quên hết.

Theo mô hình này, việc tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 90% hay 95% không phải là vấn đề, miễn là chương trình dạy và học đàng hoàng. Đã gọi là THPT thì hầu hết học sinh đều phải có cơ hội đạt căn bản kiến thức ở mức tối thiểu của một học sinh tốt nghiệp THPT.

Và với kỳ thi đại học thì sao, thưa ông?

- Không phải tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều muốn hay có khả năng vào CĐ/ĐH. Kỳ thi ĐH sẽ không có đỗ - trượt, mà chỉ có mức điểm cao thấp. Các trường đại học xét tuyễn theo tiêu chí riêng của mình. Dĩ nhiên là không có trường đại học uy tín nào muốn nhận ứng viên mà khả năng thành công rất thấp.

Với mô hình của Mỹ nếu được chứng nhận tốt nghiệp THPT, học sinh có quyền nộp đơn vào các đại học (trên 4.000 trường).

Nếu trường ở nhóm trung bình hoặc thấp hơn, chỉ cần bằng trung học, nhưng những trường thuộc nhóm trên trung bình thì thường yêu cầu phải qua kỳ thi Scholartic Aptitude Test (SAT) hay American College Testing (ACT), lấy kết quả đó để xét tuyển. Nhóm trường cao nhất (150-200 trường) còn đòi hỏi thêm các tiêu chí như điểm SAT 2 và yêu cầu khác.

Điển hình, kỳ thi SAT 1 với thời gian thi 3,45 tiếng, có gần 200 câu hỏi thuộc 3 lĩnh vực: đọc, toán và viết và một bài luận văn ngắn. Đây là kỳ thi đánh giá tổng quát, tập trung kiến thức căn bản với một người tốt nghiệp trung học phải có. Điểm tối đa là 2.400, và điểm trung bình của học sinh Mỹ cho kỳ thi này hàng năm vào khoảng 1.510/2.400.

Còn với SAT 2 hay gọi là subject test, khoảng 150-200 trường đại học thuộc tốp cao nhất của Mỹ yêu cầu.  Học sinh có thể lựa chọn thi 2-3 môn theo khả năng và sở thích, mỗi môn 1 giờ, có từ 50 đến 90  câu hỏi trắc nghiệm.

Với SAT 1 và 2 môn của SAT 2 cộng lại thì thời gian thi là 5,45 tiếng. Như vậy chỉ cần thi hai buổi là xong. Nếu chúng ta chọn mô hình này thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học, nhưng kỳ thi đại học phải được tổ chức thật nghiêm túc.

Cách thi hiện nay ở ta vẫn là kỳ thi kiến thức, chưa hẳn là kỳ thi kiến thức kết hợp với năng lực. Với các bài thi loại như SAT, người xem chỉ cần nhìn số điểm và câu trả lời đúng sai từng phần trong bài thi, có thể đánh giá được năng lực học vấn của người thi một cách dễ dàng.  

Hai năm là vừa đủ để đổi mới

Ông có cho rằng nhân lực của ngành giáo dục hiện nay có khả năng làm được những đề thi như SAT, CAT…?

- Tôi nghĩ là bộ phận khảo thí của Bộ GD-ĐT rất có nhiều kinh nghiệm theo cách thi hiện nay, nhưng nếu theo lối làm mới, có thể dùng hay tham khảo tư vấn quốc tế giúp cấu trúc chương trình thi cử, bao gồm bài thi, cách thi và đánh giá một cách khoa học.

{keywords}
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013. Ảnh: GDTD

Với tình hình thực tế của Việt Nam, theo ông bao giờ có thể làm được điều này?

- Nếu có chuẩn bị tốt thì thời gian 2-3 năm là vừa, nhưng phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Năm 2014 không nên thay đổi nhiều, và cần mạnh dạn đề xuất và công bố rõ ràng hướng đi sắp tới cho xã hội.

Hiện nay, có ý kiến rằng trong lúc chờ Bộ chuẩn bị sự đột phá thật sự trong thi cử, sẽ duy trì kỳ thi tốt nghiệp với 4 môn thi tập dượt cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Có thể áp dụng 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi quốc gia chung) song song hoặc chỉ áp dụng năm đầu đổi mới (2015) rồi sau đó chỉ còn lại một kỳ thi quốc gia duy nhất, hướng tới một bài thi chung có tất cả các môn học.

Ông nhìn nhận về ý tưởng này ra sao?

Theo tôi thì ở giai đoạn này Bộ nên cho phép các trường CĐ/ĐH có phương án tuyển sinh riêng, và tiếp tục kỳ thi THPT và ĐH, cho đến khi chuẩn bị phương án thi rõ ràng, không cần phải có kỳ tập dượt (2015), chỉ làm cho vấn đề thi cử xáo trộn thêm.

Mặt khác, tôi nghĩ Bộ có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kết hợp với với kỳ thi đại học chuẩn và hiệu quả hơn trong tương lai. Một kỳ thi chung các môn, nhưng tập trung 3 môn chính: đọc, viết và toán, sẽ đánh giá tốt năng lực học sinh.  Thời gian khi không cần phải mất hơn 1 ngày, và nên tập trung phần trắc nghiệm (200-250 câu hỏi) cộng 1-3 bài viết ngắn.  Với cách thi như vậy sẽ giảm thiểu chi phí, công sức và thời gian của mọi người, đồng thời mang lại hiệu quả trong việc đánh giá năng lực học.      

Ví dụ: bài thi buổi sáng bao gồm: Toán, Ngữ văn, và Viết. Đây là kỳ thi tổng quát. Buổi chiều, nếu quan trọng khối thi A, B, C, D như hiện nay, thì thi một môn thi theo khối và một môn chọn. Nếu bỏ khối thì thi 2-3 môn có liên quan đến ngành dự kiến sẽ theo học. Lối thi trắc nghiệm, cộng thêm 2-3 bài viết ngắn.

Các trường đại học trong thông báo tuyển sinh yêu cầu phải có những môn thi nào để thí sinh có hướng chọn lựa.

Việc tổ chức kỳ thi này sẽ do đơn vị nào đứng ra đảm trách, thưa ông?

- Ở nước ngoài có tổ chức độc lập và uy tín, được xã hội và các trường đại học công nhận, quản lý việc tổ chức thi.

Trong điều kiện Việt Nam, nên có sự kết hợp, đồng thuận giữa các trường đại học với Bộ GD-ĐT cho một đơn vị chuyên về tổ chức thi. Lâu dài cần có một tổ chức thật sự chuyên nghiệp và uy tín đúng ra quản lý việc thi tuyễn, mà Bộ GD-ĐT không cần phải tham gia sâu.

Kỳ thi như vậy sẽ diễn ra bao nhiêu lần trong năm, thưa ông? Và làm thế nào để đảm bảo yếu tố bảo mật cũng như không gây căng thẳng?

- Việc này giải quyết rất đơn giản, với các trung tâm thi đặt ở địa phương, và có thể thi bằng máy vi tính. Thí sinh nào chưa có điều kiện cho thi trên giấy. Lâu dài sẽ thi trên vi tính.

Ví dụ, có thể tổ chức thi 5 lần/năm bằng giấy, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm, mỗi tháng có 1 kỳ thi ở các địa phương. Nếu thi qua máy vi tính, học sinh có thể đăng ký thi trong tháng, nhưng một thí sinh không được thi 2 lần trong 1 tháng. Ở giai đoạn đầu, và có thể giới hạn thí sinh chỉ được thi 2 lần trong một năm.

Với cách làm đề và theo công nghệ hiện nay, không khó để kiểm tra bài thi và tính bảo mật. Một thư viện đề thi với khoảng 20-25 đề thi khác nhau. Không nên sợ chuyện “lộ đề” hay “học tủ” với đề thi theo dạng này.

Không giải quyết đầu ra sẽ mãi luẩn quẩn

Lại nhìn về câu chuyện của năm 2014. Đã xuất hiện lo ngại cho rằng nếu Bộ GD-ĐT kéo dài việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như trước đây hoặc với 4 môn thi như dự kiến, sẽ xuất hiện việc phân hạng giáo viên môn chính – môn phụ, làm mất động lực giảng dạy của nhà giáo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nếu xảy ra việc bên trọng, bên khinh trong việc dạy các môn học là chuyện chỉ có ở Việt Nam, vì lối học chỉ tập trung để thi đẻ ra như vậy. Nếu mục đích của người đi học là để trang bị kiến thức và năng lực cho chính mình, và người thầy dạy có sự hứng thú và trách nhiệm công việc, sẽ không có thái độ dạy và học như vậy.

Hầu hết học sinh Mỹ có tính tự giác, nếu không làm được bài thì nộp giấy trắng, không quay cóp. Việc này là do sự nhận thức, động cơ là phải học hành đàng hoàng nếu không thì khi tốt nghiệp sẽ không có khả năng tìm được việc làm tốt, trong khi phải đầu tư chi phí cao và thời gian cho việc học. Trong môi trường cạnh tranh, luôn đòi hỏi năng suất lao động tốt và hiệu quả ở mọi vị trí, không cho phép người kém khả năng tồn tại lâu dài dù dưới bất cứ hình thức nào. Người Mỹ rất thực tế, họ không dễ dàng đầu tư công sức, tiền bạc và thời gian cho một giá trị mà họ cho là ảo.

Vấn đề này liên quan đến cách sử dụng đầu ra. Nếu hệ thống sử dụng đầu ra một cách công bằng và hiệu quả, thì tiêu cực trong cách học, cách thi, và nạn bằng cấp sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Đây chính là nguyên nhân, đầu mối của tất cả mọi thứ. Nếu khai thông việc sử dụng đầu ra một cách hiệu quả, thì sẽ tác động ngược lại hệ thống giáo dục từ việc học, thi nghiêm chỉnh hơn.  Chính cách sử dụng đầu ra sẽ giải quyết vấn đề của mọi vấn đề trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để phát triển đất nước.

Việt Nam đang luẩn quẩn ở đầu vào, khúc giữa. Và nếu không giải quyết đầu ra một cách minh bạch và hiệu quả thì việc thi, học, bằng cấp sẽ không thoát ra được vòng luẩn quẩn.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Chi Mai  thực hiện

Người Anh có một câu “Con quỷ nằm trong phần chi tiết”, rất đúng trong trường hợp Việt Nam. Về các vấn đề được nêu ra trong Đề án Đổi mới Giáo dục, là những vấn đề hiện nay cả xã hội đang quan tâm, theo tôi tương đối là ổn. Nhưng về kế hoạch thực hiện cụ thể thì có lẽ còn nhiều việc cần bàn và tranh luận.

Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng đem đổi mới toàn diện căn bản giáo dục giao riêng cho Bộ GD-ĐT thực hiện là không công bằng. Rồi chỉ đem Bộ GD-ĐT đặt lên bàn “mổ” cũng là bất công. Cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành và xã hội nếu như muốn đổi mới giáo dục thành công.