LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Câu hỏi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nêu lên là một trong nhiều câu hỏi được đặt ra, cần được trả lời tại Đại hội XIII, mà Ban chấp hành trung ương đang chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Ý Đảng, Lòng Dân nếu thống nhất thì vấn đề dù khó đến đâu cũng vượt qua được. Về vấn đề này, Ý Đảng đang hình thành, còn Lòng Dân thì sao? Trăm người trăm ý kiến.
Sau đây tôi xin được góp một trong những ý kiến đó với mong muốn được trao đổi, thảo luận thêm với các ý kiến khác trên Diễn đàn của báo VietNamNet nhằm tìm ra các giải pháp giúp đất nước thịnh vượng.
Đến năm 2045, tên nước vẫn là Cộng hòa XHCN Việt Nam
Năm 1945, cuộc Cách mạng tháng Tám đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau 35 năm, vào năm 1980, tên nước được đổi thành Cộng hòa XHCN Việt Nam với kỳ vọng tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Kể từ nay đến năm 2045, chặng đường quá độ lên CNXH sẽ đi thêm 26 năm nữa, đưa đất nước tiến đến gần CNXH hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Vì vậy, tên của nước không cần thay đổi, vẫn là Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đến năm 2045, Đảng ta đã là một Đảng cầm quyền được thể chế hóa hoàn chỉnh
Trong Di chúc để lại, Bác Hồ đã ghi “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Tuy nhiên trong thực hiện, các Hiến pháp 1980, 1992, 2013 đều chỉ ghi những hiến định về Đảng lãnh đạo. Trong các văn kiện của Đảng cũng vậy, nội dung về Đảng cầm quyền chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với nội dung về Đảng lãnh đạo.
Cũng không loại trừ có sự ngộ nhận, cho rằng Đảng lãnh đạo tức là Đảng cầm quyền. Hệ quả là bộ máy cầm quyền của Việt Nam đã tồn tại hai hệ thống song hành, một là hệ thống Đảng, hai là hệ thống Nhà nước.
Hệ thống cầm quyền được chuyên môn hóa như vậy không tránh khỏi cồng kềnh, chi phí tốn kém, mà quan trọng hơn là cơ quan lãnh đạo lại không làm tư lệnh, còn cơ quan tư lệnh lại không làm lãnh đạo. Trên bảo dưới không nghe, dưới trình trên không thấu. Hai hệ thống luôn chờ đợi nhau, lãnh đạo chờ chỉ đạo, chỉ đạo chờ lãnh đạo, cả hai đều khó tự đột phá.
Trong dự thảo trình Đại hội XIII về xây dựng Đảng, vấn đề thực hiện Di chúc của Bác về Đảng cầm quyền chắc chắn sẽ đậm nét hơn so với các đại hội trước đó. Cho đến khi Đảng tròn 100 tuổi vào năm 2030 thì vấn đề Đảng cầm quyền chắc chắn được thể chế hóa đầy đủ.
Khi Cộng hòa XHCN Việt Nam tròn 100 tuổi thì thể chế Đảng cầm quyền đã được hoàn thiện. Với thể chế này, đất nước sẽ rộng đường đi tiếp các chặng còn lại của thời kỳ quá độ.
Rất đáng tiếc là nhiều năm trước đây, Việt Nam đã có cơ hội để cất cánh nhưng lại duy trì phương thức “dò đá qua sông”. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đến năm 2045, nền kinh tế nước ta sẽ đứng vào vị trí 20-30 thế giới
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 49 trên Bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới của IMF, tính theo GDP với giá hiện hành của VND và được chuyển sang USD.
Tuy nhiên, trước đây 5 năm, vị trí của Việt Nam đã là 41. Việc lấy lại vị trí này trong 5 năm thuộc nhiệm kỳ Đại hội XIII hoàn toàn trong tầm tay với tăng trưởng ở mức trên dưới 7%/năm, và tỷ giá VND/USD ổn định ở mức trên dưới 23.000 đồng.
Sau Đại hội XIII là chặng đường 20 năm để đến năm 2045, tức là thời gian của 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, 4 nhiệm kỳ mới của Quốc hội, Chính phủ. Mỗi nhiệm kỳ sẽ đưa đất nước có bước phát triển mới cả về lượng và chất, tiệm cận gần hơn với kỳ vọng về một quốc gia hùng cường.
Ở tuổi 100, Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể đứng ở vị trí 20-30 các nền kinh tế thế giới, trong đó có Úc, Hà Lan, Thái Lan, Philippin, Malaysia…
Rất đáng tiếc là nhiều năm trước đây, Việt Nam đã có cơ hội để cất cánh nhưng lại duy trì phương thức “dò đá qua sông”.
Chặng đường 20 năm trước 100 tuổi, cơ hội cất cánh của đất nước lớn hơn rất nhiều so với bất cứ thời kỳ nào trước đó. Ở chặng đường này, “dò đá qua sông” chắc chắn sẽ được loại bỏ, phương thức cất cánh sẽ được lựa chọn, đưa Việt Nam đứng vào vị trí trên.
Để cất cánh, kinh tế thị trường của Việt Nam chỉ cần vận động phù hợp với những đặc điểm và các qui luật của thời kỳ quá độ, không cần mất thời gian đi tìm thêm những định hướng chưa có tiền lệ nào khác.
Đến năm 2045, thể chế về chế độ sở hữu XHCN đã trải qua 3 mô hình, và đang vận động tới mô hình hoàn thiện
Trong lịch sử lập hiến của mình, Việt Nam đã lần lượt trải qua 3 mô hình về chế độ sở hữu XHCN. Giai đoạn 21 năm (1959-1980) là mô hình không phân biệt sở hữu toàn dân với sở hữu nhà nước; Giai đoạn 33 năm sau (1980-2013) là mô hình chỉ có sở hữu toàn dân, không có sở hữu nhà nước; Và từ năm 2013 đến nay là mô hình đại diện chủ sở hữu toàn dân.
Cả 3 mô hình trên đây đều có chung một nhược điểm lớn, đó là ít phù hợp với đặc điểm của thời kỳ quá độ, đặc biệt là đặc điểm về nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu, nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.
Trước khi nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 100 tuổi, nhược điểm trên đây sẽ sớm muộn được khắc phục, trong đó: i/Khi Nhà nước còn cần thiết và có vị trí quan trọng đối với đất nước, khi còn có kinh tế nhà nước thì sở hữu nhà nước nhất thiết phải được khôi phục lại; ii/Đối với những tài sản không thể giao cho ai hoặc tổ chức nào sở hữu thì duy trì chế độ sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; iii/Đối với những tài sản theo luật pháp quốc tế qui định là tài sản thuộc quyền chủ quyền của quốc gia, thì nhà nước đảm nhiệm quyền này.
Do ít phù hợp với đặc điểm của thời kỳ quá độ nên 3 mô hình trên đây, đặc biệt là mô hình giai đoạn không có sở hữu nhà nước, và giai đoạn đại diện chủ sở hữu toàn dân đã tạo ra những khoảng trống “cha chung không ai khóc” ngày càng trầm trọng, dẫn đến sử dụng lãng phí tài sản công, tham nhũng tài sản công gây bất bình lớn trong xã hội, đặc biệt là về đất đai.
Luật Đất đai đã chiếm kỷ lục về số lần sửa đổi, bổ sung so với các luật khác, mà vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cần được tiến hành tiếp trong thời gian tới. Thực trạng này chứng tỏ rằng những căn cứ để qui định, ban hành, sửa đổi, bổ sung luật này có những bất cập lớn.
Chủ tịch Quốc hội vừa qua trong khi đồng ý cho lùi sửa luật đất đai vào năm 2020 nhưng đã nhấn mạnh rằng không được lùi thêm nữa. Sự chậm trễ này có nguyên nhân từ yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung thể chế về đất đai ở tầm hiến pháp, thậm chí ở tầm đường lối, chủ trương của Đảng.
Lòng dân đang mong muốn Đại hội XIII sẽ ưu tiên xem xét và quyết định việc này, không để tới đại hội sau. Những nhức nhối trong xã hội về đất đai đều có mẫu số chung là quyền sử dụng đất. Quyền này về thực chất là một quyền về sở hữu tài sản. Khác với cho thuê đất, những cá nhân, tổ chức được nhà nước giao quyền sử dụng thửa đất nào thì đương nhiên họ là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng thửa đất đó.
Vì vậy, trong khi xác lập sớm chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong thời kỳ quá độ, thì ngay lập tức xuất hiện một nhân tố phái sinh, đó là thị trường quyền sử dụng đất.
Đây là thị trường của hàng triệu cá nhân và tổ chức đang sử dụng đất, trong đó có tới: 10 triệu hộ sản xuất nông nghiêp, 5 triệu hộ kinh tế gia đình, 715.000 doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký và đang hoạt động, 5 tỷ phú USD, 200 tỷ phú nghìn tỷ VND, gần 900 doanh nghiệp nhà nước, hơn 20 triệu hộ gia đình có nhà ở được xây dựng trên đất thuộc sở hữu toàn dân.
Tất cả đều đang trông đợi về một thị trường quyền sử dụng đất được tổ chức và hoạt động như các thị trường khác trong thời kỳ quá độ. Ở đó, người sở hữu quyền sử dụng đất được chuyển nhượng quyền đó theo quan hệ thị trường, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.
Được như vậy thì nhức nhối trong xã hội về đất đai sẽ được giải tỏa. Thu hồi đất và giải phóng mặt bằng sẽ không còn là nỗi kinh hoàng đối với các chủ dự án đầu tư bất động sản trên đất. Những “quan ăn đất” sẽ không còn đất để ăn. Người chuyển nhượng quyền sử đất không bị trắng tay khiến phải khiếu kiện căng thẳng kéo dài từ cấp xã lên tới cấp trung ương nữa.
Thị trường phái sinh từ sở hữu toàn dân về đất đai trên đây đã và đang lộ rõ những bất cập trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đất nước. Dù phức tạp và khó khăn đến đâu, thì những bất cập đó cũng không thể tiếp tục tồn tại đến năm 2045. Đây sẽ là một đột phá mà toàn dân đã và đang mong đợi.
Đến năm 2045, liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đã xuất hiện một nhân tố mới tạo xung lực mới để đi tiếp thời kỳ quá độ
Một trong những đặc điểm quan trọng của thời kỳ quá độ là sự xuất hiện những nhân tố mới trong lòng và bên cạnh những nhân tố cũ.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển xã hội mới, xóa bỏ và cải tạo xã hội cũ từ năm 1945 đến nay, liên minh chính trị giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đã góp phần xứng đáng vào những thành tựu lịch sử của dân tộc.
Qua hơn 30 năm Đổi mới, liên minh này từ các hoạt động thực tiễn của mình đã làm xuất hiện một nhân tố mới, đó là một tầng lớp trong xã hội, được cơ cấu từ những liên kết kinh tế giữa công nhân, nông dân và trí thức.
Tầng lớp này có tên gọi là tầng lớp trung lưu, bên cạnh tầng lớp giầu và tầng lớp nghèo. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đến năm 2045 sẽ trở thành bộ phận đông đảo nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Tầng lớp này xuất hiện từ kết quả của nhiều thập kỷ xóa đói giảm nghèo, từ nhiều nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh. Hiện nay, ước lượng về tỷ lệ trong toàn dân đối với các tầng lớp xã hội cho thấy: tầng lớp nghèo trên dưới 6% và thoát nghèo trên dưới 34%; tẩng lớp giầu nghìn tỷ VND và trăm tỷ VND trên dưới 15%, tầng lớp trung lưu trên dưới 45%.
Đến năm 2045, tầng lớp trung lưu sẽ tăng thêm do được bổ sung thường xuyên từ những người thoát nghèo, đồng thời tầng lớp trung lưu sẽ là lực lượng bổ sung cho tầng lớp giầu. Mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu, theo Ngân hàng Thế giới.
Sự xuất hiện của Tầng lớp trung lưu khiến liên minh chính trị giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đã lan tỏa sang liên minh kinh tế dưới các hình thức đa dạng như: liên kết 2 bên (sản xuất công - nông nghiệp); liên kết 3 nhà (doanh nhân - nhà nước - nhà khoa học); liên kết 4 hướng (sản xuất - công nghệ kỹ thuật - thể chế - cải cách hành chính)…
Sự phát triển của khối liên minh trên đây cả về chính trị và kinh tế sẽ tạo thêm một động lực quan trọng để Việt Nam đi tiếp đến thắng lợi, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu dân giầu, kết thúc thời kỳ quá độ.
Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia kiên định đi tiếp con đường XHCN. Ở thời điểm đó, Đảng xuất hiện trong định chế hoàn chỉnh về một Đảng cộng sản cầm quyền, nền kinh tế đã đứng vào vị trí 20-30 thế giới. Trên nền tảng đó, thời kỳ quá độ lên CNXH sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới trên con đường sau 100 tuổi của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tiến sỹ Đinh Đức Sinh
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn