- Theo mục tiêu chương trình Sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người, Bộ Y tế đặt mục tiêu từ nay đến 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vắc xin được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Sáng 28/1, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ khởi động Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu của chương trình là tiến tới chủ động hoàn toàn công nghệ tạo chủng và bộ chủng vắc xin để có thể sản xuất với quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu chương trình tiêm chủng mở rộng, thay thế vắc xin nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu vắc xin ra một số nước trong khu vực và thế giới.
Một trong những loại vắc xin thành phẩm do Việt Nam sản xuất |
Kế hoạch từ nay đến 2020, Việt Nam có ít nhất 7 dạng vắc xin gồm: Vắc xin đa giá, vắc xin Rota, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, thương hàn, dại và viêm gan A được xuất khẩu ra quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Việt Nam đã sản xuất được 10/11 loại vắc xin cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng, là một trong những quốc gia tự chủ được nguồn vắc xin ngay từ những năm thập niên 80.
"Ngành sản xuất vắc xin là ưu tiên hàng đầu để tiến tới nội địa hóa, thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam". Trong tương lai, công nghệ sản xuất vắc xin phải là một trong những công nghệ tiên tiến, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Hiện tại Việt Nam đã xây dựng được nhà máy sản xuất vắc xin tại Khánh Hòa đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là 1 trong 12 nhà máy sản xuất vắc xin cung ứng trên toàn thế giới.
Trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được vắc xin viêm não Nhật Bản Jevax sang Ấn Độ và trong 2015 sẽ tiếp tục mở rộng thị trường ra 3-4 quốc gia nữa. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang đặt hàng, yêu cầu Việt Nam sản xuất vắc xin sởi để xuất khẩu.
Thúy Hạnh