Với nước nhỏ như Việt Nam, theo đuổi chủ quyền dân sự trên biển là cách tiếp cận thông minh.

LTS: Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc giao lưu trực tuyến với các chuyên gia: ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hội KHKT biển Tp HCM, tác giả cuốn ‘Kinh tế biển Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập’; Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

>> Xem lại Kỳ 1: Sao lại mang con trâu, cái cày ra biển?

Cơ hội và nguy cơ đều đi vào từ biển

Hoàng Hường: Thưa ông Chu Hồi, ông từng nêu ý tưởng nên có Bộ Quản lý biển hay cơ quan chuyên trách phát triển kinh tế biển và hướng ra biển, ông có thể nói cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Chuyện thành lập một cơ quan cấp bộ để quản lý thống nhất về mặt nhà nước đối với biển, đảo đã đặt ra rất sớm, lúc đó tôi đang làm Viện trưởng Viện kinh tế và Quy hoạch của Bộ thủy sản và đã tham gia xây dựng phương án này. Thời điểm đó ai cũng thấy có nhiều bộ quản lý đất liền, nhưng biển hầu như không có lấy một bộ riêng biệt để quản lý nhà nước đối với 3 phần tổ quốc này.

Khoảng các năm 2006 - 2007 quá trình nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp rậm rịch, hé lộ mô hình một Bộ biển gắn với nghề cá, nòng cốt là ngư dân. Nếu ta gắn kinh tế với quốc phòng thì thấy bộ biển và ngư dân không phải là lực lượng bé để tiếp cận ‘chủ quyền dân sự’ trên biển. Và nếu xảy ra những chuyện không mong muốn trên biển, đấy chính là tổ chức và lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân trên biển. Cha ông ta đã thành công từ góc nhìn này.

Lúc ấy Bộ Thủy sản trình phương án thành lập Bộ biển và Nghề cá. Nhưng ngay trong Bộ Thủy sản khi đó cũng như bên ngoài còn có những ý kiến khác nhau. Khi đó cục diện Biển Đông cũng chưa diễn biến phức tạp như từ năm 2009: Việt Nam công bố thềm lục địa rộng ra 350 hải lý ở hai khu vực, và Trung Quốc sau đó công bố yêu sách phi lý về đường lưỡi bò trên Biển Đông,…

Nhà báo Hoàng Hường: Biển Đông của chúng ta đang bị xâm phạm!

Ông Nguyễn Chu Hồi: Vấn đề Biển Đông sẽ là một thách thức dài hạn, khó lường, phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích biển, chủ quyền của ta, mà còn ảnh hưởng đến các nước xung quanh.

Tôi vẫn cho rằng cần phải có một bộ như vậy. Cấp độ thể chế, đẳng cấp thể chế, biển là sân chơi quốc tế, hết 12 hải lý chủ quyền là ra đến vùng quyền chủ quyền, và quyền tài phán quốc gia, tức là đụng đến ‘cuộc chơi’ quốc tế rồi. Chuyện này Trung Quốc rất thành công. Ngay khi ông Tập Cận Bình lên Chủ tịch nước đã nói: “phải thống nhất quản lý về mặt nhà nước đối với biển”.  Các lực lượng chấp pháp trên biển của họ đều giao ngọn cờ vào tay Tổng cục Đại dương Trung Quốc - thực ra là một cơ quan cấp bộ.

Nếu ta cảm thấy rằng biển mãi mãi quan trọng và tình huống xấu của đất nước thường bắt đầu từ biển, điều này đã xảy ra 15 lần ở nước ta, thì lần này không loại trừ.

Nhà báo Hoàng Hường: Trong Luật Biển của chúng ta đã có các nội dung thể hiện chủ trương giải quyết các vấn đề biển như thế nào?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Luật Biển Việt Nam ban hành năm 2012 có ba nguyên tắc, trong đó có chủ trương giải quyết các vấn đề biển bằng biện pháp hòa bình; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển, các địa phương sẽ quản lý trên cơ sở phân cấp của Chính phủ. Chủ trương này phù hợp với hoàn cảnh nước nhỏ. Bộ biển là cần, nhưng cần tính toán cụ thể: quản lý nhà nước, hay làm kinh tế, hoặc là đan xen?

Hiện ta có 15 bộ ngành có chức năng và nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về biển, nếu thành lập một Bộ biển mà 14 cái còn lại vẫn như thế thì việc thành lập không hiệu quả.

Xây resort, khu du lịch cao cấp là cần thiết

Hoàng Hường: Gần đây nổi lên nhiều câu chuyện những resort xây dựng bên bờ biển làm người dân không tiếp cận được những khu vực biển công. Nên nhìn nhận việc này thế nào?

Ông Trần Ngọc Chính: Hiện nay các khu du lịch biển, đặc biệt là resort cũng có nhiều thành công và mang thương hiệu cho những khu vực biển như ở Đà Nẵng, Nha Trang. Nhiều resort tầm quốc tế tạo nên thương hiệu. Nhưng có những khu vực ngăn chặn người dân tiếp cận biển là cái bước xuống.

Theo tôi, đối với những thành phố đặc thù, những khu xa đô thị nhưng có khu vực bãi biển đẹp thì chúng ta vẫn xây dựng các khu du lịch tốt. Những resort hay làng du lịch hoặc khách sạn riêng biệt, trước là biển. Đó là mô hình thế giới làm nhiều, nhưng công tác quy hoạch và quản lý địa phương phải hài hòa lợi ích của cộng đồng.

Nếu ta không có những thương hiệu quốc tế thì ta không thu hút được khách du lịch quốc tế và không thu hút được đầu tư.

Hoàng Hường: Nhưng làm thế nào để không xung đột giữa lợi ích công và lợi ích của nhà đầu tư, có phải là bài toán khó không?

Ông Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ không phải vấn đề khó, nếu mà chúng ta giải quyết lợi ích của cộng đồng tốt, tạo nên những cơ sở hạ tầng tốt để người dân du lịch, có bãi tắm đẹp, có chỗ tắm nước ngọt, chỗ đỗ ô tô, có quy hoạch khu vực cộng đồng cho người dân, và người ta thỏa mãn.

Chỗ nào thấy tạo được một khu du lịch riêng biệt để tạo thương hiệu tốt, thương hiệu quốc tế thì phải tạo cho họ những chỗ riêng biệt. Nhà quy hoạch phải làm thế nào để có không gian kiến trúc biển hài hòa, mục tiêu sử dụng của người dân và doanh nghiệp phải rõ ràng.

Hoàng Hường: Theo quan sát của ông, những khu du lịch này đóng góp vào bức tranh kinh tế chung thế nào và việc thực hiện trách nhiệm môi trường của họ ra sao?

Ông Trần Ngọc Chính: Nếu ta làm tốt công tác quy hoạch biển và quy hoạch khu du lịch, những khu resort nổi tiếng thì thu lại lợi nhuận rất lớn, như Đà Nẵng chẳng hạn, nếu không đặt trước không vào được khách sạn, đặc biệt vào dịp bắn pháo hoa hoặc những dịp nóng.

Những khu như Sơn Trà có khách sạn Intercontinental thiết kế đẹp, là một trong bốn khu du lịch nổi tiếng thế giới. Những khu khác từ bãi tắm Sơn Trà đến Hội An của cả Quảng Nam và Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết. Mũi Né… Những khu vực ấy đã làm nên bức tranh du lịch Việt Nam và đã thu được tiền cho xã hội rất tốt.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng như khu vực Mũi Né - Phan Thiết có thành công nhưng trong đó có thất bại, vì anh chia đều mặt biển ra. Những resort như bức tường che chắn người dân không đến được biển, tạo ra sự chia cắt.

Quy hoạch khôn ngoan là phải thiết kế con đường ven biển có chỗ đi gần biển cho người dân, một phần để làm khách sạn liền kề. Cái đó là nghệ thuật thiết kế đô thị để tạo nên sản phẩm du lịch phong phú.

Phát triển kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền

Hoàng Hường: Vấn đề Biển Đông không thể giải quyết trong ngày một ngày hai và tác động trực tiếp vào sự phát triển của ta. Tôi có quá lạc quan không nếu nói kinh tế biển phát triển tốt thì vấn đề chủ quyền hải đảo của chúng ta cũng theo đó mà tốt hơn?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Đúng thế! phát triển kinh tế chính là chứng minh khả năng làm chủ trên thực tiễn. Ta tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không thấy bóng một ngư dân; con tàu hay thủy thủ; không có hoạt động phát triển đến các đảo, không có các hoạt động dầu khí thì rõ ràng là chúng ta tuyên bố chủ quyền trên giấy. Cho nên, phát triển kinh tế biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Thêm nữa, việc phát triển kinh tế biển sẽ điều chỉnh các mối quan hệ với an ninh quốc phòng, tài nguyên - môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội biển đảo, tạo thêm sức mạnh cho đất nước. Tôi cho đó là trục chính để điều chỉnh nhiều mối quan hệ trên biển trong thời gian tới.

Hoàng Hường: Chúng ta thường được nghe những câu chuyện ngư dân Việt Nam bị quấy nhiễu từ bên ngoài. Một chiến lược quốc gia hay một bộ có thể làm hậu phương vững chắc cho ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển hay không?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Thực ra những chuyện xảy ra không phải vì chúng ta không có một bộ biển, nó phụ thuộc ý chí của người khác nữa. Những hành động đơn phương trên Biển Đông đang có xu hướng phổ biến, có Bộ hay không, không phải là các giải pháp quyết định, nhưng có ‘người quán xuyến’ công việc cho Chính phủ như Tổng cục Đại dương TQ hiện nay. Vụ việc giàn khoan HD-981 gần 800 con người chuyên quản lý biển nhưng không làm đựơc việc như họ, tiếc quá chứ!

Cho nên, khi đặt vấn đề Bộ biển là ta nghĩ đến vấn đề dài hạn của đất nước, đến việc liên kết ra biển, liên thông thông tin biển, liên hoàn thế trận hoạt động kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển. Với nước nhỏ như Việt Nam, theo đuổi chủ quyền dân sự trên biển là cách tiếp cận thông minh.

{keywords}
Ông Trần Ngọc Chính

Hoàng Hường: Thưa ông Tải, có ý kiến cho rằng sự dàn trải vốn đầu tư của Nhà nước và phân tán các nhà đầu tư đưa đến kết quả rằng là không có một khu vực kinh tế nào nổi hẳn lên hoặc là thành công một mô hình dứt điểm. Ý kiến của ông thế nào?

Ông Ngô Lực Tải: Ở tầm vĩ mô Nhà nước chủ trương phát triển đường biển, chúng ta không lấy cơ sở của ngành nào đưa vào đường biển cả, biển có bản năng là một ngành khoa học công nghệ cao. Ta đi sau đã thiệt hại về tiền mặt, kiến thức, quy trình, công nghệ.

Thứ hai, ngay lúc đầu đáng lý ta phải để cho Bộ quản lý, đầu tư của Nhà nước hiện nay thì Nhà nước rất ‘nhẹ tay’ với các địa phương. Năm 1995 địa phương nào cũng có cảng, chỉ cần 7 đến 10 cảng lớn là đủ rồi, không cần 190 cái cảng, không nhất thiết phải cái gì cũng đưa ra làm cảng.

Thế là vì lãng phí của cải vật chất của Nhà nước và của xã hội mà không đem lại hiệu quả, đầu tư không có trọng điểm, không có một hoạch định phát triển.

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý

Dựng phim: Bạt Tuấn