Vĩnh Phúc- Điểm sáng nông nghiệp hữu cơ

Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28 về việc triển khai Nghị quyết số 19. Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, việc ứng dụng công nghệ này vào sản xuất không chỉ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp nâng cao sức khỏe, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và tiền thuê nhân công; góp phần tăng hiệu suất công việc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm làm ra sạch hơn, chất lượng hơn và năng suất cao hơn; công nghệ đã từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, hướng đến nền nông nghiệp xanh.

nongnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28, chỉ đạo ngành Nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó, định hướng, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Chăn nuôi được định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng trang trại công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc và đầu ra ổn định. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh; hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, tích cực đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao chất lượng con giống truyền thống, nghiên cứu giống đặc sản để xây dựng thương hiệu cá giống của tỉnh. Đồng thời, tăng cường quản lý, phát triển và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; gắn công tác bảo vệ rừng với phát triển kinh tế rừng, từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ cao cấp, có thương hiệu trên thị trường.

Đặt mục tiêu có nền nông nghiệp phát triển bền vững

Tới nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với 3ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen 2ha tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên.

Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành như Thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ với 10ha tại huyện Lập Thạch; 3ha rau su su theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; 2ha dưa lê theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Dương; 150ha lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với quy mô 1.500 con tại các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô.

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trong số đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả; 64 cơ sở chăn nuôi; 9 cơ sở thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

Với các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính; tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp đạt trung bình 2,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5 - 6%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, có ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại.

Mai Hương, và nhóm PV, BTV