Quyết liệt thực hiện mục tiêu 

Vĩnh Phúc là địa phương hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài; nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc; các tuyến QL.2, QL.2B, QL.2C và QL.2 tránh thành phố Vĩnh Yên; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tỉnh cũng là cửa ngõ, kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội.

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông ở Vĩnh Phúc có nhiều kết quả tích cực. 

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32 về "Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch số 543/KH-UBND ngày 20/01/2017 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch 543).

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các lái xe, chủ xe, chủ hàng và doanh nghiệp. Đồng thời coi nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp.

Sau gần 6 năm triển khai Kế hoạch số 543/KH-UBND, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng phương tiện, tình hình vi phạm các quy định pháp luật về tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được kiềm chế.

Hàng năm, bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông và UBND tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành 05 kế hoạch chuyên đề kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông thực hiện 06 kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải đường bộ bằng hình thức tham gia các tổ lưu động và trạm cân cố định.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm về tải trọng, kích thước phương tiện. Siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải, quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên các tuyến đường được giao quản lý. Rà soát, cắm đầy đủ, đúng quy định các biển báo tải trọng cầu đường để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứ để xử lý vi phạm. Kiên quyết không đăng kiểm đối với những phương tiện cơi nới kích thước thùng xe trái quy định. Sử dụng có hiệu quả bộ cân xách tay và bộ cân xe lưu động do Bộ Giao thông vận tải trang bị. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tập trung vào công tác kiểm soát tại đầu nguồn, nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, mỏ vật liệu đất, đá, cát, sỏi...

Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói chung, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo sát sao. 

Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố thuộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, in và phát hàng chục nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Giao thông đường bộ, Chỉ thị số 32, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các văn bản chỉ đạo khác về kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. 

Phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tỉnh đã tổ chức ký cam kết đối với 328 doanh nghiệp, 193 nhà máy, 401 chủ bến bãi, 248 xưởng sửa chữa ô tô, xưởng cơ khí và trên 7.000 lượt cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn. Các tổ chức, cá nhân sau khi được tuyên truyền và ký cam kết cơ bản đều chấp hành các quy định của pháp luật về trọng tải, kích thước thành thùng của phương tiện khi tham gia giao thông.

Tập trung bốn giải pháp cốt lõi 

Kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm trong gần 6 năm thực hiện Kế hoạch số 543/KH-UBND với tổng số gần 14 nghìn trường hợp. Số tiền đã nộp vào Kho bạc Nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Theo thống kê từ cơ quan chuyên môn, từ năm 2016 - 10/2022, tỉnh Vĩnh Phúc không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào có nguyên nhân từ việc vi phạm chở hàng quá trọng tải phương tiện, quá trọng tải cầu, đường, quá kích thước thùng xe. Không xảy ra các vụ, việc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, không xảy ra các vụ, việc tiêu cực, môi giới, “bảo kê”, dẫn dắt, tiếp tay cho xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn.

Tình trạng tải trọng xe, tình trạng xe cơi nới thành thùng xe, chở quá tải trên địa bàn đã được kiểm soát chặt chẽ. Cơ bản các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện, lái xe đã nâng cao nhận thức chấp hành các quy định của pháp luật, tự giác tháo dỡ phần cơi nới, chở hàng hóa đúng tải trọng cho phép tham gia giao thông. Tình hình trật tự vận tải hàng hóa, trật tự an toàn giao thông từng bước đi vào nề nếp, ổn định.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, công tác kiểm soát trật tự phương tiện nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn những hạn chế, khó khăn.

Lực lượng chức năng, trụ cột là lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh và thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc còn mỏng, chưa bao phủ được hầu khắp các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Do vậy, ngoài giờ khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, vẫn còn tình trạng xe vi phạm hoạt động trốn tránh, lén lút. 

Trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhất là hệ thống cân tải trọng được trang bị cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tỉnh Vĩnh Phúc tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu. Nhiều thiết bị chuyên dùng đã đưa vào sử dụng lâu năm, đến nay thường xuyên hư hỏng, hoạt động thiếu ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi vận hành khai thác rất cao.

Công tác khảo sát, điều tra cơ bản tuyến ở một số nơi chưa đảm bảo, việc bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện chưa phù hợp nên hiệu quả xử lý vi phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế. Công tác kiểm tra, xử lý việc bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi sản xuất, cung ứng vật liệu chưa được thực hiện thường xuyên...

Chính quyền và các ban ngành ở một số địa phương còn nhìn nhận công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông là công việc của lực lượng công an, thanh tra giao thông nên hoạt động phòng ngừa xã hội chưa được triển khai thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn...

Lực lượng cảnh sát giao thông Vĩnh Phúc kiểm soát giao thông tại
các tuyến đường.

Để giải quyết những tồn tại và thách thức trên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các ban ngành đã tập trung đề ra 4 giải pháp cốt lõi, cụ thể:

Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội với các huyện, thành phố; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện nói riêng. Coi nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm soát tải trọng tải phương tiện, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các lái xe, chủ xe, chủ hàng và doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền tập trung vào việc thực hiện các quy định về vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép; các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nêu bật được chế tải xử lý nghiêm khắc; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đơn vị thuê chở hàng, các doanh nghiệp và đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải.

Nhân lực, trang thiết bị chuyên dùng (phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, và các trang thiết bị cần thiết khác, phục vụ phát hiện, xử lý xe quá khổ, quá tải trọng) của các lực lượng chức năng cần được bổ sung kịp thời, đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục, xử lý kiên quyết từ gốc việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Xác định lực lượng thường trực, nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông, đẩy mạnh hoạt động độc lập, hoạt động phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, tổ chức lực lượng thường xuyên và đột xuất tuần tra lưu động trên những tuyến đường, khu vực trọng điểm, thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm về tải trọng nhằm kịp thời phòng ngừa và kiên quyết xử lý dứt điểm.

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, chính xác, hiệu quả và không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải. Đồng thời ngăn chặn hiệu quả tình trạng chia sẻ hình ảnh lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm không đúng bản chất sự việc, phát tán, lan truyền trên các trang mạng xã hội, làm cho người dân hiểu không đúng nhằm hạ uy tín lực lượng chức năng và hưởng ứng cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Yên Sơn