Nằm ở phía Tây Nam của dãy núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc là một trong những tâm mưa lớn của cả nước.
Để chỉ đạo, điều hành, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ngành Nông nghiệp đã ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai (PCTT) trên phần mềm trực tuyến Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam; sử dụng App PCTT của Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT để cập nhật tình hình thời tiết, các bản tin cảnh báo thiên tai; khai thác, cập nhật số liệu hệ thống đo mưa chuyên dùng; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành lập nhóm Zalo thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để cập nhật các thông tin từ các thành viên. Từ đó kịp thời chỉ đạo các biện pháp, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra.
Cung cấp kịp thời thông tin về thiên tai, ngành Nông nghiệp đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về PCTT phục vụ chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; hệ thống kết nối phòng họp trực tuyến của Văn phòng Thường trực Ban PCTT&TKCN tỉnh với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT để tham gia các cuộc họp trực tuyến khẩn khi có thiên tai, bão lụt xảy ra..., qua đó thông tin nhanh, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành công tác PCTT.
Thực hiện nhiệm vụ dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nguy hiểm phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu.
Theo đó, đơn vị đã đưa hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng SmartMet do Tổ chức khí tượng Phần Lan chuyển giao để tích hợp số liệu quan trắc bề mặt, sản phẩm ảnh rada, vệ tinh, mô hình dự báo…trên cùng một phần mềm; ứng dụng giám sát số liệu về KTTV; ứng dụng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á và hệ thống đo mưa tự động Vrain... cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn nguy hiểm cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, các cơ quan theo quy định.
Ông Trịnh Văn Trung, Giám đốc Đài KTTV Vĩnh Phúc cho biết: Xác định thông tin, dữ liệu KTTV có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ phục vụ cảnh báo sớm thiên tai mà còn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành KTTV giúp đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thủy văn, qua đó dự báo và cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, các đợt rét đậm, rét hại, sương muối, sương mù, nắng nóng, mưa lớn, lũ, ngập lụt, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, hạn hán trên phạm vi khu vực đồng bằng và Trung du Bắc bộ tới các ban, ngành, địa phương để chỉ đạo, điều hành.
Từ đó giúp người dân có phương án sản xuất phù hợp, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết gây ra.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 trạm KTTV quốc gia, trong đó có 2 trạm khí tượng, 1 trạm thủy văn và 7 trạm đo mưa.
Từng bước hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc các yếu tố KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khoa học và hiện đại, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đầy đủ, kịp thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2278 về phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng đến năm 2025.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh phát triển thêm 3 trạm sử dụng công nghệ quan trắc tự động; 10 trạm sử dụng công nghệ quan trắc đo mực nước, đo mưa tự động.
Cùng đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ công tác PCTT; thành lập Tổ điều hành tiếp nhận công nghệ vận hành hệ thống quản lý ngập lụt của tỉnh; lắp đặt thêm hệ thống đo mưa chuyên dùng bổ sung vào mạng lưới quan trắc đo mưa của tỉnh; rà soát, lắp đặt hệ thống cảnh báo ngập lụt tại một số vị trí xung yếu.
Lắp hệ thống camera giám sát đê điều, giám sát mực nước trên các tuyến sông; xây dựng mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, hướng tới đáp ứng được yêu cầu trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV chi tiết đến cấp xã, phường, thị trấn; nâng cấp cơ sở dữ liệu KTTV, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có độ tin cậy cao, phù hợp tiến trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Mai Liên (Báo Vĩnh Phúc)