Văn hóa giao thông tác động vào ý thức người dân
Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng văn hóa giao thông, tạo nên ý thức ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông của người dân.
Văn hóa giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau. Văn hóa khi tham gia giao thông chính là phải gương mẫu, tự giác chấp hành đúng L:uật Giao thông đường bộ.
Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.
Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.
Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng. Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.
Qua thống kê, các vi phạm trật tự an toàn giao thông chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đánh võng...
Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện cho con người, vì con người.
Xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện
Thời gian quan, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông an toàn được triển khai dưới nhiều hình thức, từng bước hình thành trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh văn hóa giao thông an toàn, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông được nâng cao.
Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế, hướng tới mục tiêu mỗi người dân luôn tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông; có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông.
Đồng thời, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình trật tự an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các sự cố về trật tự an toàn giao thông; tuân thủ pháp luật khi bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn, hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước về giao thông, vận tải nhằm xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải hiện đại, an toàn.
Xây dựng, nâng cao năng lực làm việc có tính chuyên nghiệp cho các lực lượng thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự…
Ngoài ra, nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc đã xây dựng dự thảo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2030” với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn.
Mục tiêu chung của đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các nội dung về văn hóa giao thông an toàn nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả.
Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành của người dân và để lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất, tỉnh yêu cầu lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tập trung xử lý các lỗi như vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường; phát hiện, xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông...
Các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông cần duy tu, bảo dưỡng công trình cầu, đường, tiếp tục rà soát, loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ, đường thuỷ nội địa bất hợp lý, bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết, nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen” đã được xác định. Các trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sẽ bị xử lý nghiêm. Thực hiện nghiêm túc việc thi và sát hạch cấp giấy phép lái xe; quan tâm tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe...
Yên Sơn