Công trình này được biết đến là một trong những di sản của Đà Lạt từ thời trước giải phóng.
Đây là 1 phần trong phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt, vừa được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP. Đà Lạt công bố.
Theo đó, khu vực quy hoạch này có diện tích 30ha, thuộc P.1 (Đà Lạt), phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản). Quy mô dân số, hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ); với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch khoảng 6.879 người.
Khu trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu, quy định rõ các chỉ tiêu về kiến trúc công trình, chiều cao, mật độ xây dựng công trình. Trục chính của khu vực quy hoạch từ đài phun nước (gần cầu Ông Đạo) hướng thẳng lên Dinh tỉnh trưởng cũ. Trục này được thiết kế cây xanh làm chủ đạo.
Trong đó, phân khu 1 là khu vực chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Thị Minh Khai, diện tích 6,95ha, là khu vực chợ truyền thống; đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ trở thành quảng trường trung tâm với nhiều tiểu cảnh hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt. Nơi đây vẫn duy trì khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.
Phân khu 2 là Khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37ha, là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Theo thiết kế rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng cụm kiến trúc cao tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Khi thực hiện phân khu này sẽ phải giải tỏa nhiều hộ dân đang kinh doanh buôn bán quanh khu vực và quanh rạp hát.
Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh (rộng 4,43 ha), nơi có tòa Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ được di dời nguyên khối đến đến vị trí mới trong khuôn viên dinh để xây khu thương mại, dịch vụ cao cấp.
Hai phân khu còn lại (rộng 15,25 ha), các công trình kiến trúc và cảnh quan các tuyến đường đi bộ sẽ được chỉnh trang. Còn ven Hồ Xuân Hương hướng tới là khu dịch vụ - du lịch, khách sạn và công trình công cộng.
Theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, việc thiết kế xây dựng công trình phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế việc san gạt theo diện rộng, phá vỡ địa hình tự nhiên, không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực, khuyến khích trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái các công trình, sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt.
Quốc Đại
Dáng hình Đà Lạt xưa, khi đường phố còn thưa bóng khách du lịch
Cách đây chừng 30-50 năm, khi chưa bước vào vòng xoáy đô thị hóa, Đà Lạt mang hình ảnh thành phố đơn sơ, không có những công trình kiến trúc mới, không tấp nập du khách ghé thăm...