Khi Hàn Quốc làm tang lễ cho hai binh lính trẻ tử nạn trong vụ bắn pháo của Triều Tiên vào đảo Yeonpyeong, thi thể của hai dân thường cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công hôm thứ Ba đã được đưa tới cảng Incheon.

Đảo Hàn Quốc lại có tiếng pháo
Hàn Quốc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng
Hàn Quốc dành hơn 1tỷ USD mua vũ khí
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chức
Toàn cảnh: Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc

Nỗi đau của gia đình có người tử nạn trong vụ bắn pháo vào đảo Yeonpyeong Ảnh Yonhap

Gia đình hai dân thường - Bae Bok-cheol, 59 tuổi và Kim Chi-baek, 60 tuổi đã rời Incheon để tới đảo nhận dạng người thân. Người ở lại vừa tất bật lo tang lễ, vừa vật lộn với nỗi đau mất mát.

“Kim là người đàn ông của gia đình, một người cha tốt, một người rất siêng năng”, Hwang Dong-ju, em họ của người xấu số cho biết. Vợ của Kim là Kang Seong-ae, đã sụp xuống vì đau đớn khi bà tới bên án thờ trong lễ tang.

“Kim nói, ông ấy tới đảo để kiểm tiền mua một căn nhà mới trong tháng tới”, bà Kang kể lại. “Ông ấy đã có một cuộc sống vất vả khổ cực để nuôi dạy con cái? Có nỗi thống khổ nào hơn thế này không?”, bà nghẹn ngào nói không thành lời.

Hai con gái của Bae cũng chìm trong nước mắt. “Tôi vẫn không thể tin nổi cha tôi đã chết”, một cô nói. “Ông ấy là một người quá tốt, làm sao những người tốt và vô tội như ông ấy lại phải chết trong vụ việc này?”.

Những dân thường xấu số đều là công nhân một nhà máy xây dựng, đang xây dựng khu dân cư trên đảo. Họ đã sống trong các khu nhà tạm trên Yeonpyeong từ tháng 6/2009.

Gia đình các nạn nhân than phiền rằng, chính phủ đã quá chậm chạp trong việc hỗ trợ tang lễ, và mọi chú ý thay vì đó là tập trung vào hai người lính thiệt mạng.

”Thi thể người thân của chúng tôi không được đưa vào đất liền cho tới khi chúng tôi gọi tới tòa thị chính thành phố Incheon và yêu cầu việc này”, Yun Jong-guk, anh họ của Bae cho biết. “Thật vô lý khi yêu cầu gia quyến nạn nhân tới đảo để nhận diện thi thể”.

Một thành viên trong gia đình ông Kim nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ điều tàu nhưng không ai trả lời. Tôi thậm chí không biết Kim đã chết cho tới khi đài báo thông báo tên tuổi nạn nhân”.

Cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama cũng có mặt trong buổi lễ tang hai quân nhân Hàn Quốc thiệt mạng Ảnh Newsis

Trong lúc đó, gia đình hai quân nhân tử nạn - Suh Jeong-woo và Moon Gwang-wook - cuối cùng đã nhất trí tổ chức tang lễ vào thứ Bảy tại Bệnh viện các Lực lượng Vũ trang ở Suwon, Gyeonggi, sau khi đơn vị lính thủy đánh bộ cung cấp cho họ chi tiết về những cái chết của người thân trong hôm thứ Tư.

”Suh trúng đạn khi tới hầm trú ẩn”, Kim Tae-eun, một sĩ quan đơn vị cho biết. Suh chỉ còn cách hầm khoảng 300 mét.

Theo những thành viên của đơn vị lính thủy đánh bộ, một mảnh đạn pháo đã đâm trúng vào ngực Moon. Moon đã được cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi. Cả hai quân nhân thiệt mạng do mất máu quá nhiều.

Chân của Suh đã được tìm thấy gần nơi anh tử nạn. Gia đình các quân nhân đã từ chối tổ chức tang lễ trước khi họ có được thông tin chính xác về cái chết của hai binh lính.

”Chúng tôi đồng ý tổ chức tang lễ vì chúng tôi tin những gì mà họ hứa với chúng tôi - là làm tất cả tốt nhất có thể để điều tra cái chết mà người thân của chúng tôi phải hứng chịu”, một thành viên gia đình hai binh lính tử nạn nói.

Sau đám tang, các gia đình sẽ ra đảo bằng trực thăng để tận mắt chứng kiến tổn thất. Hai lính thủy đánh bộ sẽ được chôn cất ở Nghĩa trang quốc gia tại Daejeon. Nhiều quan chức chính phủ cấp cao đã đến chia buồn với gia đình các binh lính thiệt mạng trong đám tang tại Bệnh viện các Lực lượng Vũ trang.

Park Geun-hye, nguyên nữ chủ tịch đảng Đại Dân tộc Hàn Quốc đã tới lễ tang và bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với gia quyến người tử nạn. “Tôi sẽ làm hết sức để thắt chặt an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn những vụ việc như thế này”, bà Park nói. Đại diện các gia đình những thủy thủ thiệt mạng trong vụ chìm tàu chiến Cheonan cũng tới tang lễ.

Cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama cũng có mặt trong buổi lễ. Ông nói: “Nhân danh những người Nhật Bản, tôi thể hiện sự tiếc thương với hai quân nhân. Nhật Bản sẽ ủng hộ tất cả biện pháp và hành động của Hàn Quốc”.

Thái An (Theo JoongAng Daily)