- Trả lời cử tri quận 4, TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.

Chiều 25/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4 (TP.HCM).

Đầu tư quốc phòng

Nhiều vấn đề đã được các cử tri nêu lên và đề nghị có biện pháp xử lý, trong đó “nóng” nhất vẫn là chủ quyền biển đảo, việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, giám sát và phản biện xã hội…

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM trước kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Tá Lâm

Cử tri Thân Trọng Khoa cho rằng, vừa qua Trung Quốc có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam như điều tàu chiến đến, bắn vào cabin tàu cá của ngư dân, công bố bản đồ và quy hoạch phát triển hải dương...

“Nhưng chúng ta vẫn ôn hòa. Bộ Ngoại giao chỉ gửi công hàm phản đối những hành động khiêu khích của Trung Quốc, yêu cầu nước này thực hiện đúng công ước quốc tế về luật Biển, chứ không có những hành động mạnh hơn. Hiện nay, việc đầu tư cho kinh tế được nâng lên, nhưng liệu đầu tư cho quốc phòng của chúng ta có được như các nước châu Á hay không?”, cử tri Khoa hỏi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Vinh Ngọc lý giải thêm, gần đây các vị lãnh đạo tiếp xúc ngư dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã làm cho người dân tin tưởng về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo.

“Nhưng cần phải có biện pháp thiết thực hơn. Tôi đề nghị QH, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn bằng cách nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường quảng bá hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Vinh nói.

Ông cũng đề nghị Nhà nước cần phát triển mạnh kinh tế biển, đặc biệt là tạo điều kiện cho ngư dân có nguồn vốn lớn để đóng những con tàu có công suất lớn ra biển đánh bắt cá xa bờ. Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn về vốn, đồng thời có những chính sách hỗ trợ ngư dân khi gặp thiên tai… “Có như thế ngư dân mới yên tâm bám biển”, ông khẳng định.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, vấn đề chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, đó là chuyện nhất quán, bất di bất dịch.

Theo Chủ tịch nước, khi có tranh chấp, Việt Nam luôn dùng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển Liên hợp quốc.

{keywords}

“Chúng ta và rất nhiều nước tôn trọng điều này, chúng ta mong muốn các nước có liên quan cũng tôn trọng và làm đúng điều này. Biện pháp hòa bình dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển và những thỏa thuận liên quan đến giải pháp hòa bình trong các hội nghị quốc tế, điều này chúng ta đã và đang làm”, ông Trương Tấn Sang khẳng định.

Về câu hỏi xây dựng quốc phòng của cử tri Khoa, Chủ tịch nước cho biết, đường lối của Việt Nam là phát triển kinh tế và xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hài hòa, song song với nhau.

Uốn nắn dần việc thực hiện lời hứa

Trong buổi tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu cũng đề nghị có chế tài để các vị bộ trưởng thực hiện lời hứa trước Quốc hội, chứ không phải hứa xong rồi để mặc đó.

Cử tri Nguyễn Đình Khiêm cho rằng, để thúc đẩy kinh tế - xã hội, các chủ trương của Nhà nước thì rất đúng nhưng việc nói và làm trong quá trình triển khai chưa thực hiện được. “Nói xong nhưng làm chưa được nhiều. Cụ thể, trong tái cơ cấu kinh tế, tiến độ rất chậm”, ông Khiêm nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: "Tôi đề nghị các đồng chí, trong hội trường này cũng có nhiều người là đảng viên, chú ý mỗi năm, đến cuối năm chúng ta có kiểm điểm ở các cấp, phải hết sức liên hệ những gì chúng ta đã hứa trước tập thể. Cái này phải uốn nắn dần. Phương pháp là thế. Chúng ta hứa với nhau rất nhiều ở trong hội nghị này. Tổng bí thư cũng hứa, chúng tôi cũng hứa, mọi người ở đây cũng hứa”, Chủ tịch nước nói.

Tá Lâm