"Những ai xả thân vì Tổ quốc này đều phải được ghi nhận", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ với mục đích cao đẹp của chương trình "Ký ức người lính".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay (20/4) đã gặp mặt các nhân vật lịch sử tiêu biểu có thành tích xuất sắc qua các thời kỳ do ban chỉ đạo thực hiện công trình "Ký ức người lính" tổ chức. Hơn 50 cựu chiến binh ngực đeo nặng huân huy chương đã rất xúc động khi bước vào Phủ Chủ tịch trong sự chào đón nồng hậu của Chủ tịch nước.

Chương trình "Ký ức người lính", nguyên do cho cuộc gặp mặt này, công sức chung của các vị lão thành cách mạng, được Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Sư đoàn 5, trưởng ban tổ chức chương trình, giới thiệu như "một tổng tập ký ức của những người lính được thể hiện trên nhiều phương diện, nhiều góc nhìn".

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nồng hậu chào đón các cựu chiến binh tại Phủ Chủ tịch

Vận động cả dân tộc viết ký ức kháng chiến

Ông Truyền nói: "Dù nay chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm vẫn còn mãi với nỗi đau và sự mất mát không thể bù đắp. Đã có nhiều câu chuyện được viết, được kể về những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhưng vẫn còn rất nhiều câu chuyện sinh động về phẩm chất anh hùng trong 2 cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới.

Thời gian cứ dần trôi, những nhân vật, tư liệu lịch sử với bao kỷ niệm, chiến công, kỳ tích chưa được tôn vinh sẽ mất dần theo năm tháng, đi vào lòng đất. Vì thế cần có một cuộc vận động để viết và kể lại những câu chuyện đó trong sách, sưu tầm những kỷ vật, những thứ vốn trước đây bình dị sẽ là vĩ đại và vô giá với hôm nay và mai sau. Một người không thể viết hết nhưng cả dân tộc thì có thể làm được.

{keywords}
Sách "Ký ức người lính" hiện đã ra 2 tập

Đó là những mẩu chuyện người thật, việc thật, mà nhân vật là những người lính, chiến sĩ cách mạng hoặc người chứng kiến các sự kiện lịch sử ghi lại, kể lại những kỷ niệm sâu sắc, những chiến công, thành tích, những tình huống gay cấn, khó khăn mà quân dân đã cùng vượt qua..., cũng như những tấm gương vươn lên của người lính trong thời bình".

Còn với nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp, trưởng ban biên tập và chủ biên, ông trăn trở khi thấy đất nước chưa có một tác phẩm xứng tầm, đủ sức khái quát cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Từ năm 2005 ông đã xin chủ trương triển khai ý tưởng này nhưng phải đến tận năm 2012 chương trình mới có thể khởi động. Và năm 2013, tập 1 của "Ký ức người lính" ra đời, năm 2014 là tập 2. Ngày 30/4 tới sẽ ra mắt tập 3 và ngày 22/12 sẽ là tập 4.

"Nếu có điều kiện kinh tế tốt thì mỗi năm có thể làm 2-3 tập. Đến giờ phút này, có thể làm được 25-30 tập. Nếu làm quyết liệt hết tư liệu, không bỏ sót, chắc chắn 'Ký ức người lính' có thể được 50 tập. Đấy là chưa kể hàng chục triệu trang tư liệu mà Trung tâm Việt Nam, ĐH Texas, Mỹ đang lưu giữ mà ta có thể khai thác", ông Lê Doãn Hợp nói.

Ông kỳ vọng "Ký ức người lính" sẽ là một di sản vô giá để lại cho đời sau về "thế hệ vàng của quân đội Việt Nam": chiến đấu gian khổ hy sinh nhất, tình người đẹp nhất, tình cảm quốc tế trong sáng nhất, trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân cao nhất, nhưng hưởng thụ thấp nhất.

Khẩn trương để lịch sử không bị xuyên tạc

Ông Lê Doãn Hợp cũng nêu trăn trở: "Giờ cuộc chiến bị xuyên tạc nhiều, ta phải làm để thế hệ sau biết cái giá của cuộc chiến tranh để có hòa bình hôm nay, cuộc chiến của tư tưởng cao thượng và lòng yêu nước thiết tha, chứ không thể nói là cuộc chiến này có thể tránh được, những gì ta có hôm nay là công lao của những người đã khuất".

{keywords}
Những người làm "Ký ức người lính" chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, chia sẻ nỗi niềm này: "Trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có người xem nhẹ, phủ nhận, xuyên tạc lịch sử. Vì thế, những nhân chứng sống giờ đang còn tồn tại chính là những chứng cớ hùng hồn chứng minh cho tâm huyết của dân tộc này".

Cũng chính vì vậy mà việc làm này càng cần làm khẩn trương, ông Hương nhấn mạnh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng góp lời đề nghị Chủ tịch nước có "chủ trương và cơ chế để chương trình thực hiện một cách hiệu quả, góp phần vào lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam".

Khó quá thì kêu tôi

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tán thành mục đích của những người thực hiện chương trình: Những ai xả thân vì Tổ quốc này đều phải được ghi nhận. Ông tin tổng tập "Ký ức người lính" sẽ là những cuốn sách hấp dẫn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh với những người thực hiện về tầm quan trọng của khâu thẩm định đối với công việc hết sức quan trọng này: "Những tên người, tên đất, tên làng, những trận đánh..., đều cần thẩm định chặt chẽ, vì 'bút sa là gà chết'... Lịch sử là sự thật, lịch sử là khách quan, tầm vóc không chỉ hẹp là quân đội Việt Nam, mà rộng là cả dân tộc cầm súng chiến đấu. Khó tránh những sai sót nhỏ nhưng không được có những sai lầm làm thay đổi bản chất câu chuyện".

Mong tác phẩm sẽ ngày càng đồ sộ như kỳ vọng, Chủ tịch nước cho rằng vấn đề kinh phí có thể được giải quyết được vì "ai chứ chắc chương trình này sẽ không lãng phí đâu". Ông kiến nghị chương trình tận dụng mạng lưới cựu chiến binh trên toàn quốc để huy động sự hỗ trợ từ các cấp ủy.

"Bí lắm thì kêu tôi, tôi vận động phụ cho", Chủ tịch nước khẳng định.

"Ký ức người lính" là công trình tri ân quy mô lớn do Hội Truyền thông số Việt Nam và công ty cổ phần truyền thông Nghĩa tình đồng đội thực hiện, với sự cộng tác của Tổng cục Chính trị QĐND VN, Bộ TT&TT, Hội Cựu chiến binh VN, Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo Nghĩa tình đồng đội... Bên cạnh tổng tập sách "Ký ức người lính", chương trình còn bao gồm các hoạt động triển lãm ảnh, kỷ vật và giao lưu nghệ thuật.

Chung Hoàng - Ảnh: Phong Doanh

Chuyện cận kề cái chết của nguyên Tổng tham mưu trưởng