Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm nay (29/12), Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó chú ý các chính sách tiền tệ, tài chính.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội năm 2010, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ, xác định nhiệm vụ cho năm tới.

Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Theo nhận định chung của Chính phủ, năm 2010, Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh, nhất là về cuối năm. GDP cả nước đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).


Một vài con số đáng chú ý, đó là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, vượt xa kế hoạch của Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD cả năm. Nhập siêu hàng hóa khoảng 12,4 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch. Thu hút FDI đạt 18,6 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2009 nhưng có nhiều điểm đáng lưu ý là vốn giải ngân thực tế đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước…

Lưu ý chính sách tiền tệ


Cùng với thành tựu, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những yếu tố không thuận lợi, những khó khăn, thách thức và cả tồn tại, bất cập cần khắc phục trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh, tạo áp lực lên giá cả hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước, nhất là dịp Tết nguyên đán, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, làm cho chỉ số giá cả tăng khá cao…

Song dự báo cho năm 2011, Chính phủ đặt tin tưởng vào một năm tiếp tục thành công với cơ hội tăng trưởng cao hơn, ở mức 7-7,5%, tạo bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội với những thuận lợi cùng các khó khăn, thách thức.

Đề cập bất cập trong điều hành, quản lý, Thủ tướng đơn cử vấn đề giá cả tăng cao cần được xem xét, nhận định kỹ và sát thực tế hơn đối với giá thực phẩm và giá xăng dầu nhiên liệu là hai vấn đề mà các Chính phủ các nước thường khó kiểm soát và loại trừ hai nhóm hàng này ra khỏi rổ hàng thiết yếu tính toán CPI. Hoặc phải xem xét kỹ lập luận cho rằng, gói kích thích kinh tế đã làm cho cung tiền quá lớn khi thực tế là chỉ khoảng 1/3 trong số 2 tỷ USD đã thông qua được giải ngân - như kết quả Kiểm toán Nhà nước đã công bố.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung quyết liệt, sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành với nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó chú ý các chính sách tiền tệ, tài chính.

Đầu tư công theo trọng điểm


Bước sang 2011 - năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Thủ tướng quán triệt tinh thần chỉ đạo sát sao, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, với yêu cầu giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách, các bộ, ngành, địa phương rà soát, khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cần chú ý các vấn đề phúc lợi xã hội, rà soát để đưa ra danh mục, giải pháp cụ thể để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Phải tập trung nâng cao năng lực dự báo tình hình, từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, thời điểm của Chính phủ nói chung và từng ngành, địa phương nói riêng. Phát hiện nhanh nhạy các vấn đề mới phát sinh để chủ động xử lý, hạn chế tối đa những trường hợp như giá vàng, đôla thời gian qua.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm hơn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là 3 lĩnh vực mà quản lý còn yếu là đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng và doanh nghiệp nhà nước, tăng cường hợp tác, phối hợp trong xây dựng chính sách, điều hành các vấn đề kinh tế quan trọng.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ