Các nhà khoa học cảnh báo, ngư trường trong nước đang trở nên cạn kiệt dần. Nguyên nhân chính là do việc đánh bắt hải sản bằng mọi giá, ngư dân đã góp phần hủy hoại môi trường một cách khủng khiếp trong một thời gian dài, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc.

Cả ngày lặn biển cũng chỉ kiếm được vài ký hải sản

{keywords}
Những tấm lưới, cuộn dây neo to tướng được ngư dân chuyển lên tàu để chuẩn bị ra khơi.

Ngư trường ở Bình Thuận là một mình chứng về tình trạng ngư trường cạn kiệt do đánh bắt tràn lan. Từ đó dẫn đến ngư dân thất thu, nhiều người bỏ nghề. Ngư trường cạn kiệt, nhiều ngư dân cũng hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần chính là do nạn khai thác mang tính hủy diệt.

Trước đây, chỉ cần ra xa bờ vài 3 hải lý là có đánh bắt hải sản, giờ phải cách xa cả chục hải lý mới hy vọng. Nhưng giờ đây, cả ngày cần mẫn lặn biển, mỗi người cũng chỉ kiếm được vài ký hải sản.

Theo thống kê của Chi cục Thủy Sản Bình Thuận, ước tính mỗi năm, sản lượng hải sản ở vùng biển này giảm từ 10.000 - 12.000 tấn. Hình ảnh khảo sát của các chuyên gia thủy sản 10 năm về trước cho thấy hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản tại đây phong phú, dồi dào. Trong khi hiện nay, đáy biển có nơi như sa mạc.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định cấm khai thác trên toàn vùng biển của địa phương này, từ tháng 4 đến tháng 7, tức là thời điểm cá sinh sôi nảy nở. Tỉnh này cũng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quy định cấm đóng mới tàu nghề giã cào, có giải pháp từng bước chuyển đổi nghề cho ngư dân nhằm hạn chế và dần tiến đến loại bỏ hoàn toàn, đồng thời ngăn chặn triệt để các hoạt đông khai thác mang tính tận diệt như hiện nay.

Sản lượng khai thác từ 120 ngàn tấn còn 83 ngàn tấn

Hội Nước mắm Phú Quốc cũng cho biết, trước đây các tàu khai thác cá cơm chủ yếu theo phương pháp truyền thống là dùng lưới vây ngời và ngư trường khai thác quanh vùng đảo Phú Quốc là đủ sản lượng để phục vụ cho các nhà thùng trên địa bàn chế biến nước mắm. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu cá cơm không đủ đáp ứng cho sản xuất nước mắm. Do đó, một số nhà thùng ở Phú Quốc đã phải giải nghệ. Thời cao điểm (giai đoạn 2011-2012), trên địa bàn huyện Phú Quốc có trên 100 hộ làm nước mắm nhưng đến năm 2016 giảm chỉ còn 56 hộ (giảm hơn 40%).

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản cho hay, trữ lượng và sản lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ đã giảm từ 20-30% trong 10 năm qua, với tổng sản lượng từ 172 ngàn tấn (năm 2004-2005) xuống mức 130-152 ngàn tấn (2012-2015). Sản lượng khai thác mỗi năm từ 120 ngàn tấn (2004-2006) xuống còn 83 ngàn tấn (2014-2015).

Thuỷ sản quý hiếm biến mất

Theo cơ quan chức năng, vùng biển Quảng Ninh được đánh giá là vùng biển đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi với 315 loài cá và 450 động vật thân mềm, trong đó có những loại thuỷ sản đặc hữu rất nổi tiếng và có số lượng lớn.

Thế nhưng hiện nay tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, có những loại thuỷ sản quý hiếm giảm số lượng nghiêm trọng, thậm chí biến mất, như: Bào ngư 7 lỗ ở Cô Tô; tôm he Mĩ Miều (Hải Hà); tôm hùm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; hải sâm, tôm mũ ni đỏ, sá sùng ở Vân Đồn, Móng Cái...

Theo thông tin trên Báo Quảng Ninh, không ít người già sống lâu năm ở vùng biển Vịnh Hạ Long cho biết có thời kỳ loài cá heo kéo đàn nhảy tung tăng trên mặt Vịnh, ngay trước mặt ngư dân là chuyện thường. Thế nhưng, đã từ lâu rồi cá heo không kéo nhau về nữa.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, song tình trạng khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt vẫn ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến tiêu diệt và phá vỡ môi trường sống của các loài thuỷ sản, làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, nhất là tại các vùng ven biển. Bởi vậy cần phải có những hành động quyết liệt hơn để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững.

Hải Đăng - Hoàng Oanh