“Mỗi khi căng thẳng nổ ra, những người ủng hộ lập trường của Trung Quốc lại công bố các phiên bản mới của lịch sử vốn vẫn chỉ là tái chế những sai lầm trước đó và đôi khi lại bổ sung thêm nhiều sai lầm mới của chính họ.”,  ông Bill Hayton từng chia sẻ tại một cuộc hội thảo về vấn đề Biển Đông như vậy.

Theo nhà báo Bill Hayton, trong những năm qua đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, nhưng có rất ít tác phẩm nghiên cứu về yếu tố lịch sử của tranh chấp. Hầu hết các tác phẩm đều dựa vào một số ít các công trình nghiên cứu những năm 1970, 1980. Các tác phẩm này chỉ phản ánh kiến thức về vấn đề Biển Đông tại thời điểm đó. Hệ quả là bây giờ những tranh cãi về Biển Đông được đóng khung trong các thông số được thiết lập cách đây đã 40 năm. Tuy nhiên, tìm hiểu một cách cẩn thận những tác phẩm đầu tiên này cho thấy đây là những nghiên cứu không dựa trên những nguồn tài liệu cũng như không dựa trên bối cảnh lịch sử.

Đợt sóng mới nhất diễn ra sau khi Mỹ công bố chiến lược “xoay trục” tới Châu Á hồi năm 2011. Kể từ đó, số lượng các công trình nghiên cứu, báo cáo của các viện nghiên cứu và các tác phẩm báo chí về Biển Đông đã gia tăng chóng mặt. Phần lớn trong số đó đề cập tới những diễn biến trong tranh chấp và chỉ điểm sơ qua về lịch sử của tranh chấp. Một số ít nghiên cứu thì đi sâu hơn một chút. Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm này đều dựa vào bối cảnh lịch sử được đề cập trong số ít bài nghiên cứu và sách. Đáng lo ngại, tìm hiểu kỹ càng những nghiên cứu này cho thấy đây là những cơ sở không đáng tin cậy để dựa vào đó mà viết về lịch sử của Biển Đông.

Chính những bằng chứng không đáng tin cậy này đang phủ một lớp mây mù lên những cuộc tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Ông Bill Hayton minh chứng qua bài “Bình luận” hồi năm 2014 của Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajratnam, Singapore, được viết bởi học giả Trung Quốc Li Dexia và học giả Singapore Tan Keng Tat, bài thuyết trình của cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Charles Freeman, tại Đại học Brown, công trình nghiên cứu của ông Pete Pedrozo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hải Quân có trụ sở tại Mỹ.

{keywords}
An Nam đại quốc họa đồ, một trong những tư liệu chủ quyền cổ của Việt Nam.

Theo ông, những tác phẩm này đã hình thành “nhận thức thông thường” về tranh chấp Biển Đông. Và có cùng một số đặc điểm chung như sau: Được viết bởi những chuyên gia về luật quốc tế hay khoa học chính trị chứ không phải bởi các nhà sử học hàng hải trong khu vực; Thiếu trích dẫn các nguồn tài liệu gốc; Có xu hướng dựa vào các nguồn từ truyền thông Trung Quốc mà trong đó không có trích dẫn tới các chứng cứ ban đầu hay các tác phậm dựa trên những chứng cứ này; Có xu hướng trích dẫn các bài báo từ nhiều năm trước làm bằng chứng thực tế; Thiếu các thông tin về bối cảnh lịnh sử; Được viết bởi các tác giả có mối liên hệ rõ ràng với Trung Quốc.

Qua xem xét các tư liệu đa chiều, nhà báo Bill Hayton quả quyết: Trong thực tế các bằng chứng với nguồn rõ ràng cho thấy lịch sử về các quần đảo ở Biển Đông là hoàn toàn khác biệt so với cái lịch sử mà đã được đề cập trong hầu hết các tài liệu tham khảo thường được sử dụng. Nhà nước Trung Quốc chỉ bắt đầu quan tâm tới các quần đảo này từ thế kỷ 20. Chưa có bằng chứng nào về việc có viên chức nhà nước Trung Quốc đến quần đảo Hoàng Sa trước ngày 6/6/1909. Chỉ đến tận năm 1933, Trung Quốc mới chú ý chú ý tới Quần đảo Trường Sa- và tại thời điểm đó Trung Hoa Dân Quốc đã quyết định không đưa ra yêu sách đối với quần đảo này. Vấn đề nóng trở lại ngay lập tức sau Thế Chiến thứ hai, do có những nhầm lẫn về sự kiện xảy ra vào năm 1933 và lần đầu tiên trong lịch sử một quan chức nước này đặt chân lên Quần đảo Trường Sa ngày 12/12/1946.

Khảo cứu của ông Hayton cũng chứng thực rằng, năm 1933, 1956, 1974 và hiện nay cũng vậy, lịch sử về các quần đảo này được viết đi viết lại. Mỗi khi căng thẳng nổ ra, những người ủng hộ lập trường của Trung Quốc lại công bố các phiên bản mới của lịch sử vốn vẫn chỉ là tái chế những sai lầm trước đó và đôi khi lại bổ sung thêm nhiều sai lầm mới của chính họ. Khi mà các cách nhìn nhận này vượt qua rào cản ngôn ngữ và xuất hiện trong các tác phẩm tiếng Anh vào giữa thập niên 1970, nền móng lung lay của chúng lại tỏ ra có độ tin cậy cao đối với những người mới tìm tòi lịch sử lần đầu. Chúng đã được in trên các tạp chí học thuật phương Tây và “trở thành sự thật”. Nhưng việc xem xét lại các nguồn của chúng làm lộ ra điểm yếu cố hữu của các tác phẩm này.

Từ đó, ông Hayton khuyến cáo, “đây là thời điểm để chung tay xem xét lại các nguồn tài liệu gốc của nhiều khẳng định mà các tác giả này đưa ra cũng như đánh giá lại độ chính xác của chúng. Việc giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào điều đó”.

Gia Hưng - Kim Duyên