Quyền được ngắt kết nối tại châu Âu
 

Đây là ý kiến của Alex Agius Saliba, một nhà lập pháp tại Nghị viện Châu Âu, người đang dẫn dầu các nỗ lực về vấn đề này. Quyền được ngắt kết nối liên quan tới quy định một nhân viên không nên nhận cuộc gọi, email công việc hay liên lạc với “sếp” ngoài giờ làm việc.

Vào tháng 1, phần lớn chính trị gia EU ủng hộ sáng kiến kêu gọi Liên minh Châu Âu (EC) phát triển chỉ thị trên toàn khối. Trả lời CNBC, ông Agius Saliba cho rằng cần có thúc đẩy chính trị vì ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian cá nhân đang bị xóa nhòa trong đại dịch, nhờ sự gia tăng số lượng nhân viên làm từ xa, làm việc thông minh, làm việc linh hoạt.

Ý tưởng về quyền được ngắt kết nối thu hút sự chú ý vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát khi nhiều người không tới văn phòng mà làm việc ở nhà. Kết hợp với văn hóa xoay quanh smartphone và truy cập email công việc liên tục, điều này làm xáo trộn thời gian công – tư và ngày càng nhiều quản lý giao việc cho nhân viên ngoài giờ.

Thực tế, doanh nghiệp và mỗi nước đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khắc phục vấn đề. Năm 2012, hãng xe hơi Volkswagen cấm một số nhân viên nhất định truy cập email từ tối đến sáng. Năm 2017, Pháp giới thiệu quy định vạch ra ranh giới chặt chẽ hơn về thời điểm bắt đầu và kết thúc nghĩa vụ của một nhân viên. Năm 2018, công ty kiểm soát dịch hại Rentokil phải nộp phạt 60.000 EUR do vi phạm.

Đầu năm nay, Ireland đưa ra bộ quy tắc về quyền ngắt kết nối cho tất cả nhân viên, nơi các khiếu nại có thể trình lên hội đồng tranh chấp tại nơi làm việc. Trong khi đó, tại Anh, Hội đồng Liên minh thương mại (TUC) đang vận động để Anh áp dụng quy tắc tương tự.

Tổng Thư ký TUC Frances O’Grady nhận xét mọi người cần có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, công nghệ ngày nay dễ dàng làm mờ ranh giới giữa văn phòng và gia đình, không để cho họ thoát khỏi áp lực công việc. Các liên đoàn tại Pháp, Đức và Ireland đã giành được quyền lợi ngắt kết nối cho người lao động. Đã đến lúc người lao động tại Anh cũng được bảo vệ bằng luật.

Dù vậy, vẫn tồn tại nhiều câu hỏi cho chủ doanh nghiệp khi thi hành quyền ngắt kết nối. Be Kaler Pilgrim, nhà sáng lập công ty tuyển dụng Futureheads, cho biết các giải pháp kỹ thuật như hạn chế email không thể giải quyết vấn đề. Xây dựng một văn hóa cân bằng công – tư lại càng khó hơn. Nhân viên tại công ty của cô được khuyến khích gửi email cho đồng nghiệp trong thời gian làm việc thay vì tất cả thời điểm.

Theo John Lamphiere, Phó Chủ tịch Active Campaign khu vực APAC và EMEA, những sáng kiến như trên càng khó áp dụng nếu công ty có văn phòng nằm ở các múi giờ khác nhau. Chẳng hạn, nhân viên của Active Campaign tại châu Âu thường xuyên làm việc với đồng nghiệp tại Mỹ và châu Á, dẫn tới giờ làm việc trễ hoặc sớm hơn bình thường. Ông chia sẻ một phần quan trọng của quyền ngắt kết nối là cho phép nhân viên làm việc theo cách phù hợp với họ.

Emma Russell, Giảng viên cao cấp về Tâm lý học nghề nghiệp và tổ chức tại Đại học Sussex, cho rằng các quy định nghiêm khắc có thể phát sinh vấn đề riêng. Đầu năm 2020, bà viết báo cáo về tác động của quyền ngắt kết nối với nhân viên. Theo đó, một số chính sách khắc nghiệt tới mức doanh nghiệp phải ngắt kết nối tới máy chủ email. Dù xuất phát từ động cơ tốt, rõ ràng nó không phù hợp với một số nhóm nhất định.

Chính sách “một cho tất cả”, đặc biệt như cấm truy cập email, có thể gây bất lợi vì không xét đến tính linh hoạt mà vài người mong muốn. Chẳng hạn, chính sách ngắt email sau 6 giờ tối không giúp ích gì cho những người có cuộc sống khác nhau, trách nhiệm xã hội khác nhau…

Theo ông Agius Saliba, dự luật tại EU sẽ đặt ra yêu cầu tối thiểu và cơ bản, phụ thuộc vào mỗi ngành công nghiệp và lĩnh vực. Vấn đề làm thêm giờ đã tồn tại trước khi dịch bệnh diễn ra và chỉ tiếp tục leo thang hậu Covid-19, dù với nhân viên làm việc tại văn phòng hay từ xa. Mỗi nhân viên đều nên được tận hưởng quyền lợi cơ bản của người lao động.

Du Lam (Theo CNBC)

Làm việc từ xa, CEO Microsoft nảy ra ý tưởng Windows 11

Làm việc từ xa, CEO Microsoft nảy ra ý tưởng Windows 11

Trước Covid-19, CEO Microsoft Satya Nadella chưa từng làm việc tại nhà. Tuy nhiên, ông đã tư duy lại cách hoạt động của các sản phẩm trong thời gian giãn cách.