Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định rằng việc cấp phép đầu số hiện nay không hợp lý, thiếu quy củ, là nguyên nhân gây ra những hiện tượng như tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, gây nhiều bức xúc trong xã hội.


{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu lặp lại trật tự trong việc cấp phát đầu số. Ảnh: T.C

Trước đó, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 3/2014, Thanh tra Bộ đã phản ánh tình trạng cấp đầu số không theo quy hoạch, làm nảy sinh những tình trạng như cùng một đầu số mà 3 doanh nghiệp viễn thông có thể cấp cho 3 nhà cung cấp nội dung (CSP) cùng lúc. "Hiện chưa có quy hoạch rõ ràng về đầu số và giá cước tương ứng nên cơ quan chức năng rất khó xem xét, quản lý", Chánh thanh tra Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của thanh tra Bộ thì giá cước trước đây tối đa chỉ 15.000 đồng/tin nhắn, nhưng gần đây có những đầu số đã đẩy giá cước lên cao hơn nhiều. "Việc không minh bạch giá cước cũng như thiếu quy hoạch đầu số khiến Thanh tra rất khó xác định chính xác doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác, còn người dùng thì bị thiệt về kinh tế", ông Hùng khuyến cáo.

Bên cạnh đó, một số nhà mạng đang lợi dụng quyền cấp đầu số cho CSP theo kiểu "quyền sinh quyền sát", hoặc thiếu kiểm soát đối với các đầu số đã cấp dẫn đến tình trạng loạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo trong thời gian qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này và lặp lại trật tự cho thị trường đầu số, công tác cấp phép đầu số cho các CSP nên được chuyển từ doanh nghiệp viễn thông về cho Bộ TT&TT. Việc quy toàn bộ đầu số về một đầu mối là cơ quan quản lý sẽ giúp đầu số không "trôi nổi", khó quản lý như thời điểm này. Đồng thời, giá cước cũng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng thiếu minh bạch, "đội cước âm thầm" và móc túi người dùng như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ rằng chủ trương đưa đầu số về Bộ đã được đưa ra từ một hai năm nay, song vẫn chưa triển khai được vì một số lý do, vướng mắc. Cụ thể, ngay từ tháng 7/2013, Cục Viễn thông đã xây dựng dự thảo mới, quy định Bộ TT&TT sẽ là đơn vị đứng ra cấp đầu số trực tiếp cho các doanh nghiệp nội dung. Với đầu số này, một CSP sẽ có thể kết nối với tất cả các nhà mạng khác nhau chứ không phải đi đàm phán với từng mạng riêng như trước. Đồng thời, Bộ cũng sẽ công khai quy hoạch đầu số trên mạng, đầu số nào đã cấp, đầu số nào chưa cấp đều được niêm yết rõ ràng.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ trưởng Son chỉ đạo Cục Viễn thông sớm tổ chức một hội nghị doanh nghiệp với các nhà mạng, các CSP để đề xuất phương án cấp phép hợp lý nhất.

"Cần nghiên cứu việc cấp phép đầu số nên tiến hành ở cấp nào, doanh nghiệp hay Bộ TT&TT, thì hợp lý hơn, hiệu quả hơn, tránh tiếp tục gây bức xúc trong xã hội", Bộ trưởng kết luận.

  • Trọng Cầm