Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions - thành viên Tập đoàn Viettel chia sẻ về quá trình xây dựng hạ tầng với nền tảng 3D cho sự kiện Triển lãm Viễn thông thế giới.

{keywords}

Ông Đoàn Đại Phong, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions - thành viên Tập đoàn Viettel

Khó khăn, thách thức khi lần đầu tổ chức triển lãm ITU online

- Là đơn vị xây dựng hạ tầng cho sự kiện Triển lãm Viễn thông thế giới được tổ chức online lần đầu tiên, với nền tảng 3D chỉ trong thời gian 1 tháng, đội ngũ kỹ sư của Viettel gặp những áp lực gì?

Chúng tôi thấy có ba thử thách trong việc xây dựng platform 3D cho ITU Digital World 2020.

Thứ nhất là liên quan đến phần nghiệp vụ triển lãm ảo, đặc biệt là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tính năng cho phép các công ty tham gia triển lãm có thể tự thiết kế gian hàng 2D, 3D trên platform. Đây là thứ Viettel chưa làm bao giờ.

Thứ hai là việc đảm bảo hạ tầng cho quy mô triển khai trên toàn thế giới.

Thứ ba là với quy mô như vậy, việc đảm bảo an toàn thông tin, ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra là điều cần có phương án phòng vệ và dự phòng.

- Kinh nghiệm về xây dựng hạ tầng công nghệ cho những sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam trước đó như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ASEAN +3… giúp gì cho Viettel tại ITU 2020?

Sau khi nhận nhiệm vụ xây dựng nền tảng 3D, với kinh nghiệm triển khai tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ASEAN+3… đội ngũ kỹ sư của Viettel đã có quy hoạch về mặt mạng lưới, tài nguyên để chuẩn bị, nên chúng tôi làm rất nhanh. Chủ yếu phần mới là các tính năng liên quan đến công nghệ thông tin - nền tảng 3D, còn hạ tầng thì chúng tôi đã có kinh nghiệm rồi.

- Theo ông, so với tổ chức một triển lãm viễn thông kiểu truyền thống thì hình thức này sẽ tiết kiệm chi phí hay tốn kém hơn?

Sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Ở các sự kiện offline, mỗi doanh nghiệp chỉ cần có vài người tham gia là sẽ kéo theo chi phí ăn ở, đi lại, xây dựng các gian hàng triển lãm… mà là ở nước ngoài nên chi phí rất tốn kém.

Nếu triển khai theo hình thức online, về bản chất, sự kiện vẫn đáp ứng được các hoạt động như offline nhưng tiết kiệm được nhiều chi phí.

{keywords}

Việc tổ chức online với nền tảng 3D sẽ giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đáp ứng được yêu cầu như một sự kiện offline

- Nhưng cơ hội giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tiềm năng, networking… có được đảm bảo hay không nếu tổ chức online?

Các hội nghị quốc tế thường có ba mục tiêu: Tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm; gặp gỡ và trao đổi về các cơ hội kinh doanh; học hỏi về các xu thế công nghệ mới thông qua các chuyên đề của diễn giả.

Với platform này, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng ba mục tiêu đó.

Ví dụ như khi một người đăng ký tham gia triển lãm, họ thích sản phẩm nào, có thể tương tác ngay trên sản phẩm đó, có thể kết nối, trao đổi và xem được đầy đủ các thông tin như video, catalog sản phẩm. Tất cả đều tích hợp trên nền tảng 3D.

- Với một sự kiện có sự tham gia của nhiều “ông lớn” trong ngành viễn thông, CNTT thế giới, Viettel có bị áp lực vì sự kiện này sẽ thể hiện “bộ mặt” của Việt Nam hay không?

Chúng tôi chỉ bị áp lực về mặt thời gian, còn về mặt công nghệ, chúng tôi rất tự tin. Khi xây dựng platform này, đội ngũ kỹ sư Viettel cũng nghiên cứu các triển lãm mới đây như GSMA (Thượng Hải), Connect Tech (Singapore)…

Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi tự tin có thể xây dựng một platform vừa tích hợp được các yêu cầu của triển lãm offline, vừa đáp ứng các tính năng, thậm chí còn ưu việt hơn các hội nghị online được tổ chức mới đây.

{keywords}

Gian hàng của Viettel trên ITU Virtual Digital World 2020

- Năm nay, các sản phẩm Viettel đem đến triển lãm có gì đặc biệt?

Các sản phẩm năm nay nhấn mạnh hơn thông điệp xuyên suốt của Tập đoàn: Viettel với sứ mệnh kiến tạo xã hội số.

Để kiến tạo xã hội số, có ba đối tượng tham dự là Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Khi thiết kế gian hàng 3D của mình tại ITU Digital World 2020, Viettel cũng đem đến đúng hệ sinh thái dịch vụ số phục vụ cho 3 nhóm đó: B2G, B2B và B2C. Tất cả các sản phẩm số này đều đã được xây dựng hoàn chỉnh, triển khai trong thực tế và đã có nhiều thành quả tốt, đóng góp vào sứ mệnh kiến tạo xã hội số của Viettel như: e-Cabinet, nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), ViettelPay, hệ thống tính cước theo thời gian thực (vOCS)…

Biến thách thức thành cơ hội

- Khi tham gia hỗ trợ Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức sự kiện này, Viettel thấy mình nhận được gì?

Với sự kiện lần này, Viettel cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã tạo cơ hội cho Viettel thử sức làm một việc khó trong thời gian ngắn.

Khi chúng tôi xây dựng được nền tảng này, với tính tùy biến cao, Viettel có thể áp dụng sản phẩm này sang rất nhiều ngành nghề khác, ví dụ như triển lãm công nghệ quốc phòng ảo, du lịch ảo… Viettel cũng có thể sử dụng ngay platform này để tiếp cận các sự kiện thế giới, ngỏ lời tổ chức theo hình thức giống như Việt Nam đang làm trên nền 3D. Đó là kết quả lớn nhất mà Viettel thu được.

- Về mặt cá nhân, ông thấy điều gì thú vị khi trực tiếp chỉ đạo dự án này?

ITU 2020 đã diễn ra tốt đẹp, giai đoạn áp lực cũng đã qua, nhưng tôi cùng các anh em ở Viettel chỉ tập trung làm nên chưa kịp cảm nhận điều gì thú vị (cười). Có lẽ, điều tôi cảm thấy hay nhất là khi tổ chức sự kiện lần này thấy được sự đồng lòng, góp sức với sự dẫn dắt của Bộ Thông tin và Truyền thông cho đến tất cả các doanh nghiệp công nghệ - viễn thông lớn ở Việt Nam như Viettel, VNPT, CMC, FPT… Tất cả đều tham gia, cùng giải quyết các khó khăn gặp phải, để hội nghị được tổ chức tốt nhất.

Thu Hà