5 bổn phận của vợ chồng
Trong Kinh Thiện Sanh, Phật dạy về bổn phận của người vợ đối với chồng phải đủ 5 điều như sau:
1. Phải kính yêu và hòa thuận với chồng, khi chồng ra đi hay trở về, phải đưa đón niềm nở.
2. Khi chồng đi vắng, ở nhà phải lo quét dọn, may vá, cơm nước sẵn sàng, đợi chồng về mới cùng ăn uống.
3. Phải giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình.
4. Lúc chồng nóng giận nặng lời, không nên bừng mặt cãi lẫy, làm mất hòa thuận. Lại khi chồng có lời khuyên bảo chính đáng, vợ phải vâng theo; khi có món ngon vật quí, không nên dùng riêng cho mình.
5. Mỗi đêm, khi chồng ngủ rồi, phải xem xét cửa nẻo, trước sau đóng gài kín đáo, cắt đặt cẩn thận, soi rọi khắp cả trong nhà, rồi mới đi ngủ sau.
Cũng như vậy, bổn phận của một người làm chồng cũng phải hội đủ 5 điều sau:
1. Khi vợ ra đi hay lúc trở về, phải đưa đón niềm nở.
2. Phải ăn uống cho có giờ khắc, và đừng quá khó khăn, để vợ khỏi phải làm phiền lòng nấu nướng không chừng, và lo lắng cực nhọc.
3. Phải tùy phận giàu nghèo của mình, để vợ mua sắm áo quần và đồ trang sức vừa theo sở thích, không hẹp lòng làm vợ buồn phiền.
4. Phải tin cậy phó thác cho vợ các công việc nhà.
5. Không được sanh tâm tà, sớm mận tối đào, làm cho vợ ghen tuông sầu não.
Làm một người vợ tốt thì phải như thế nào?
Ngoài 5 bổn phận của một người chồng, người vợ phải có đủ như trên, đạo lý vợ chồng cũng được thể hiện rất rõ trong Kinh 7 loại vợ.
Trong bài kinh đó, Phật nói đến những người vợ tốt và không tốt. Những người vợ tốt là những phụ nữ biết cương - nhu, không ỷ thế giàu có hay xinh đẹp mà khinh mạn chồng, tướng mạo từ tâm, đoan chính không phải là vẻ đẹp bên ngoài mà là nội tâm bên trong. Ngược lại những người vợ không tốt là những người thuộc hạng như kẻ trộm cắp, bà chủ, kẻ sát nhân, tự thân họ cũng khó có thể mang lại hạnh phúc cho mình và cho chồng con.
7 loại vợ theo lời Phật dạy như sau:
1. Người vợ có tâm địa ác, có ý xấu, không có lòng thương, bỏ rơi chồng mình, yêu những người đàn ông khác, một dâm nữ, chỉ muốn làm phiền lòng người. Ðó là loại vợ sát nhân.
2. Người vợ hay hoang phí của cải tài vật, dù là ít do chồng làm ăn kiếm được, nhờ cày ruộng, buôn bán hay lao động khéo tay, đó là loại vợ ăn trộm.
3. Người vợ lười biếng, không muốn làm gì hết, lại tham ăn, ác độc, thô bạo, thích nói lời ác, lấn át người chồng siêng năng cần mẫn. Ðó là loại vợ kiêu sa.
4. Người vợ trìu mến, thân ái bảo vệ chồng như mẹ bảo vệ con, giữ gìn tài sản của chồng, đó là loại vợ như mẹ.
5. Người vợ kính trọng chồng, như em gái đối với anh cả, khiêm tốn, sống chiều đúng theo ý chồng. Ðó là loại vợ như em út.
6. Người vợ sung sướng khi thấy chồng, như gặp người bạn cũ sau bao năm xa cách, thuộc dòng quý tộc, có đạo đức, sống thanh tịnh. Ðó là loại vợ như bạn bè.
7. Người vợ dù là bị đối đãi không tốt, nhưng không giận hờn, vẫn bình tĩnh, chịu đựng mọi hành vi của chồng với lòng từ mẫn, tâm không biết giận, sống chiều đúng theo ý chồng. Ðó là loại vợ như người phục vụ.
Một số nhà sư giải thích rằng, tương ứng với 7 loại vợ ở trên cũng có 7 loại chồng như vậy.
Ở đây, đạo làm vợ được hiểu là làm một người vợ tốt là người vợ có những đức tính của người mẹ, người bạn, người em gái, người phục vụ. Những người vợ có các đức tính đó có thể xem là người vợ có nhân cách, phẩm hạnh và mang lại hạnh phúc cho gia đình. Ngược lại những hạng vợ như kẻ trộm cắp, như bà chủ, như kẻ sát nhân thì không phải là những người vợ tốt và tự thân họ cũng khó có thể mang lại hạnh phúc cho chồng con.
Quan niệm về một người vợ hoàn hảo có lẽ không giống nhau ở các thời đại, ở các nền văn hóa, truyền thống đạo đức. Tuy nhiên những đức tính mà một người vợ cần có của người mẹ, người bạn, người em gái, người phục vụ như lời Phật dạy trong bài kinh này là điều rất cần thiết cho đời sống gia đình ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào.
Đạo làm vợ là khôn cùng, nhưng chỉ cần làm tốt những điều Phật dạy ở trên và loại bỏ tâm ác là có thể trở thành người vợ hiền, dâu thảo.
Hạnh phúc gia đình không thể chỉ tồn tại vĩnh cửu nếu chỉ vì dục lạc, đam mê mà còn phải có sự tôn trọng, sống có tình có nghĩa với nhau, làm tròn bổn phận dâu hiền, rể thảo, hiếu dưỡng ông bà, cha mẹ hai bên. Một khi hai vợ chồng hiểu được trách nhiệm của mình thì gia đình sẽ luôn thuận hòa, hạnh phúc.
Điều đắt giá sau vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên
“Chúng ta là người ngoại cuộc, đừng nên phán xét chuyện ly hôn của ông Vũ, bà Thảo, mà từ đó hãy nhìn lại hôn nhân của mình và giá trị của nó”, nhà văn Hoàng Anh Tú viết.
Theo Gia đình & Xã hội