Xuân thu nhị kỳ, đền Bà chúa Kho đón hàng vạn lượt người hành hương, đi lễ xin lộc, kèm theo tục đốt vàng mã không thể thiếu. Bỏ mặc các văn bản về văn minh nơi di tích, thờ tự và quy định khác, người dân vẫn xem đốt vàng mã là đương nhiên, không có dấu hiệu chuyển biến lớn.

{keywords}

Lượng hàng mã tương đương hàng tỷ đồng mỗi năm hóa ra tro ở điểm nóng đền Bà chúa Kho.

Hỏa lò rực cháy

Nhằm ngày rằm đến đền Bà chúa Kho, chúng tôi thấy dù theo lệ ngày này dân tình cúng bái ở nhà là chính và đền sẽ thưa vắng hơn. Tuy nhiên, càng về chiều hàng đoàn ô tô từ các tỉnh, chủ yếu vẫn là Hà Nội nối đuôi nhau vào bãi. Dân công sở, bán buôn khệ nệ từng mâm đồ lễ từ xe bê lên đền.

Trước đó, cách mấy cây số trên đường phố vào đền, hỏi thử người lái xe ôm, ngoài chỉ đường rất nhiệt tình, ông nói mọi ngày có người ra tận ngoài phố (cách đền cả vài cây số) để dẫn đường cho khách.

"Thế có cần tôi dẫn không? Bình thường người ta dẫn đi là phải mua hương khói cho họ, như thế thì đắt đấy", người chạy xe ôm độ ngũ tuần nói.

Từ bãi xe, người đi lễ phải đi qua một con đường nhỏ như một cái ngõ mới đến đền nằm trên lưng chừng núi Kho, khu Cổ Mễ, xã Vũ Ninh. Hai bên cơ man nào hàng bánh đa, kẹo lạc, ngô nướng, hoa hồng, hoa cúc. Không thể thiếu đồ lễ xanh đỏ gồm cây tiền lộc kết bằng đô la âm phủ, thậm chí bằng tiền thật nhiều mệnh giá, lá ngọc cành vàng, vàng nén vàng thỏi.

Chủ hàng nào cũng đon đả mời mua xôi gấc, gà luộc sẵn đem vào lễ. Có bà còn theo hẳn người khấn thuê chèo lên Ban Mẫu Cửu Trùng Thiên, điện thoại xuống chỉ đạo mang cho khách thêm một con gà.

"Mua vàng hương cây tiền cho chị đi, rồi mua thêm gói bánh gói kẹo, chị cho mượn đĩa lên đền đặt lễ. Đây là tiền hoa xòe của bà, thành tâm các em biếu bà một li một lai gọi là, ít tiền vàng của bà, lễ mỏng lòng thành", chủ quầy hàng tên Nhường mời.

Chị bảo người ta đi trả lễ từ tháng 10 âm lịch, có người tới 30 Tết vẫn đến lễ tạ tiện thể xin lộc luôn. Hỏi một mâm lễ giá cả thế nào, chị này bảo bao nhiêu cũng sắp được, trăm rưỡi hai trăm hay ba trăm chủ hàng đều sắp cho, đầy đủ không thiếu thứ gì.

Không có mã lớn, ngựa, voi, xe máy to như thật ở đền Bà chúa Kho, nhưng người đi lễ nào cũng dâng lên ít nhất một mâm gồm kim ngân, ngân xuyến, thêm lá ngọc cành vàng cắm xung quanh.

Lễ tạ xong tiền vàng ném thẳng vào lò hóa sớ cùng với phần vàng mã lễ tạ, một phần nhỏ lễ xin lộc, còn đâu mới đem ra khu vực nhập kho của nhà đền. Tại đây có năm, sáu người trong hội người cao tuổi địa phương thay phiên nhau trông mấy bao tải hàng loại vài tạ chờ người mang lễ đến nhập kho.

Nhà đền phân thành từng túi lộc nhỏ cho khách xách về, coi như lộc mẫu. Hai bên tả, hữu đền là hai lò hóa sớ đỏ lửa suốt ngày. Thử đứng cạnh mép lò mà rát mặt. Ngày vắng mà cũng hết người nọ nối người kia vào đốt, mã cháy không kịp. Phải ngày đông cứ gọi là chen chúc, tro lẫn khói theo gió bốc lên nghi ngút.

Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh bảo, có khi người ta chở cả ô tô mã đến lễ rồi đốt. Lạ thay, cạnh các lò hóa sớ đốt vàng mã, không có lấy một dòng ghi chú, khuyến cáo khách hành hương hạn chế đốt mã. Từ nhà đền đến lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh này đều nói: "Cái đấy vấn đề tâm linh khó lắm".

Vẫn khấn thuê, lễ mướn

Qua độ hai chục bậc lên đến sân đền, đập vào mắt khách hành hương là tấm biển lớn ghi dòng chữ "Quý khách lưu ý không nhờ khấn thuê lễ mướn". Được cái sân đền năm nay quang quẻ, không nhếch nhác hàng quán đổi tiền lẻ như năm trước, dù vẫn có người đeo khay nhỏ đổi tiền đi mời chào.

Người ta chở cả ô tô vàng mã đến lễ rồi đốt. Cạnh các lò hóa sớ, không có lấy một dòng ghi chú, khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã.

"Vào dịp đông, nhà đền mở loa truyền thanh tuyên truyền 24/24, hướng dẫn khách mua bán phải có sự thỏa thuận, hợp đồng chặt chẽ với người bán hàng, công đức tùy tâm, không mượn người khấn thuê lễ mướn", ông Nguyễn Thành Lập trong ban quản lý đền nói.

Mặc biển cảnh báo, cảnh sát túc trực tại đền, hay nhà đền nhắc nhở qua loa vài câu, đội ngũ khấn thuê, lễ mướn này vẫn bủa vây khách. Nhà đền bảo, khách có nhu cầu có thể liên hệ với các cụ, lên danh sách và có người khấn giúp không mất tiền. Quan sát kỹ thì người nhà đền ăn vận áo nâu sồng, khấn cho khách có bài bản hơn.

Sân trên gần nhà sắp lễ, tại gian thờ chính, gần lò hóa sớ đâu đâu cũng thấy đội ngũ khấn thuê cả trẻ lẫn cứng tuổi, chủ yếu là nữ. Một chị trong đoàn phóng viên được một người phụ nữ ngoài 40 bảo, để chị xin lộc thần tài hộ cho.

Chị này rút một tờ 20 ngàn đồng, một tờ 50 ngàn đồng vào ban Thần tài, nhưng không thấy động thái lễ bái gì. Được nhắc thì đi loanh quanh một lúc, sau thì rút ra mấy thẻ lộc có vẻ để sẵn trong túi chứ chả cần xin xỏ gì. Tưởng đã xong, đội khấn thuê này còn đòi công, miệng nói tùy tâm nhưng khổ chủ không có tiền lẻ nên vẫn lấy đủ 100 ngàn đồng.

Một góc khác, nhóm khấn thuê khác cầm 100 ngàn đồng từ tay một cô gái trẻ, bảo vào lễ tạ đi rồi xin lộc. Đếm sơ sơ đội ngũ này lên đến đôi, ba chục người có già lẫn trẻ. Điều đáng nói hơn, có đối tượng ngồi cạnh lò hóa sớ, chờ người đốt xong xông đến thu tiền. Hỏi nhà đền được biết "đấy là một số đối tượng xã hội", sau khi phóng viên phản ánh nhà đền nói sẽ xử lý.

Nhưng gần một tiếng sau, tay thanh niên này vẫn quanh quẩn tại đó, thấy phóng viên chụp ảnh người này còn đe dọa, đòi xóa ảnh. Ông Lập nói, mới họp ban chỉ đạo lễ hội cho mùa hội này rồi, các phương án an ninh, đảm bảo vệ sinh có hết cả, nhưng vấn đề đốt vàng mã có vẻ không có lời giải.

Theo Tiền Phong