Tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân quan họ

Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước 2003, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận dân ca quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự nỗ lực của tỉnh Bắc Ninh trong việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Ngay sau sự kiện này, Bắc Ninh đã đề ra một loạt chương trình, kế hoạch hành động để bảo tồn, gìn giữ đồng thời cho văn hóa quan họ tiếp tục được nuôi dưỡng, được kế thừa và phát triển trong tương lai.

Bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu văn hóa phi vật thể dân ca quan họ trên truyền hình, website… Bắc Ninh còn thực hiện điều mà chưa địa phương nào thực hiện được đó là ban hành chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân quan họ.

{keywords}
Trao bằng công nhận cho 44 làng quan họ gốc (Nguồn: Công Thương)

Từ năm 2010, Bắc Ninh bắt đầu thực hiện đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các nghệ nhân quan họ. Từ đó tới nay, Bắc Ninh đã có 71 Nghệ nhân nhân dân và 5 Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận được tặng tiền thưởng một lần 5 triệu đồng và được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng một lần mức lương cơ sở. Ngoài hỗ trợ hàng tháng, các nghệ nhân được hỗ trợ phí bảo hiểm y tế hàng năm, chế độ mai táng phí khi qua đời…

Điều đáng nói, với những nghệ nhân tuổi cao sức yếu, hàng tháng chính cán bộ văn hóa phường, xã sẽ đến tận nhà gửi các cụ trợ cấp. Hành động nhỏ cho thấy sự trân trọng lớn của Bắc Ninh đối với những “báu vật sống” của văn hóa phi vật thể dân ca quan họ.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Hợp (Khu Đào Xa, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh), khoản hỗ trợ hàng tháng này vừa đóng vai trò hỗ trợ nghệ nhân ổn định cuộc sống tuổi già, vừa là một niềm động viên cho những nỗ lực cống hiến vì quan họ của các nghệ nhân.

Cùng chế độ tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, Bắc Ninh còn hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành với mức 30 triệu đồng/ năm làng quan họ gốc, 20 triệu đồng/năm với làng quan họ thực hành. Khoản hỗ trợ thực sự tao thành một “lực đẩy” có giá trị nâng cao chất lượng hoạt động sinh hoạt, truyền dạy quan họ ở Bắc Ninh.

Bồi dưỡng thế hệ “liền anh, liền chị” kế thừa

Bắc Ninh hiểu được rằng để bảo tồn văn hóa phi vật thể quan họ thì “giữ gìn” thôi là chưa đủ mà còn cần sự kế thừa và phát huy lâu dài trong tương lai. Từ đó, công tác truyền dạy quan họ được chú trọng và mô hình các lớp “quan họ làng” đã ra đời ở Đặng Xá, Lộ Bao, Hữu Chấp… Tại những lớp quan họ này, chính các nghệ nhân quan họ dạy từng nhóm học sinh yêu thích quan họ, hướng đến biểu diễn trong các ngày hội làng, phục vụ đoàn khách du lịch…

Đến nay, công tác truyền dạy đã phổ biến tại 31 làng quan họ gốc và các CLB quan họ thực hành. Đặc biệt, tại Bắc Ninh xuất hiện nhiều câu lạc bộ quan họ “măng non” do các nghệ nhân, liền anh, liền chị phụ trách, truyền dạy.

Dạy hát dân ca quan họ còn trở thành một chương trình trong học sinh các cấp ở Bắc Ninh. Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 603 câu lạc bộ quan họ trường học, mỗi trường có ít nhất 1 câu lạc bộ. Tại nhiều trường còn tổ chức các cuộc thi hát quan họ, vừa động viên, khuyến khích các em vừa nhằm tìm kiếm nguồn “liền anh, liền chị” nhí có tiềm năng.

{keywords}
 

Việc tôn vinh nghệ nhân, tìm kiếm lớp “quan họ nhí” cho thấy tầm nhìn rộng của Bắc Ninh trong việc bảo tồn văn hóa phi vật thể dân ca quan họ khi tạo ra “nguồn chảy” được nối liền liên tục và bền bỉ không ngừng. Đặc biệt, Bắc Ninh cũng khuyến khích và trân trọng những thể nghiệm mới, các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng dân ca quan họ phù hợp nhịp sống hiện đại, vừa tăng thêm sức lan tỏa cũng góp phần tạo sức sống mới cho dân ca quan họ Bắc Ninh.

Tin tưởng, những giai điệu dân ca quan họ êm mượt, tinh tế cùng những ca từ trau chuốt, thể hiện quan niệm sống đẹp đẽ sẽ không chỉ được gìn giữ, bảo tồn mà còn nhiều cơ hội phát triển, đồng thời được quảng bá vươn xa đến bạn bè quốc tế.

Đ.Sơn