Số phận thường đưa đẩy số đông những người trẻ sau tu nghiệp nghệ thuật qua những chặng đường đời gập nghềnh chìm nổi xa lạ với cái nghề đã chọn. Rồi một ngày tóc sắp ‘trắng như vôi’ số ít trong số đông ấy bỗng nhận ra cái giây ‘oan nghiệp’ vẫn buộc mình với khát khao của tấm lòng hoa niên mấy mươi năm trước.

Họ trở về với ‘làng quê’ hội họa của mình với cái giọng quê không đổi - những âm sắc thẩm mỹ bẩm sinh, trời phú hay là họ từng tin là như thế. Giờ đây họ tin mình đã ‘tri thiên mệnh’: Hóa ra là trời bảo mình phải vẽ chứ không phải làm cái gì khác!

{keywords}
Triển lãm với tên gọi “LEBON” là tình cảm riêng cũng như mong muốn về những điều an nhiên tốt đẹp của tác giả.

Họ sáng tác vồ vập, tự tin, hồn nhiên bất vụ lợi - bất chấp công danh, chẳng màng sự nghiệp, chẳng như anh họa sĩ trẻ khám phá thế gian, nhân tình, xã hôi ngày xưa mà chỉ để vớt vát thời gian đã mất, tiêu giao nhàn hưởng bóng tà dương lộng lẫy bên kia sườn núi. Họ tự sự với mình. Vẽ để biết mình mà thôi.

Người ‘thành công chói lọi’, kẻ người ‘thất bại ê chề’ còn tùy theo đánh giá của người khác song các trường hợp quy cố hương này đều thú vị. Ngôn ngữ phong cách ưa dùng thường là thơ ngây, nguyên thủy và nhất là trừu tượng và biểu hiện. Với hội họa của Nguyễn Mạnh Quỳnh mỗi khởi đầu đều cũng là trở về. 

{keywords}
Triển lãm sẽ được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội vào 17h, ngày 5/3/2019.

 

Ở tranh của ông ta thấy sự tự do thơ ngây của màu sắc. Chúng hiện ra luân chuyển, biến đổi bất kỳ như dưới ngọn bút trẻ con. Các nét mảng có thể bùng phát, uốn vặn rất điêu luyện khi như thư pháp, khi nguyên thủy lập thể. Khối, hình, lớp lang biểu hiện chủ nghĩa cắt vạt nhau, chồng lấp nhau, tranh chấp lôi cuốn nhau cốt để phát lộ những xúc cảm tức thì không cân nhắc duy lý.

Có thể xếp vào dòng tranh biểu hiện trừu tượng đã chinh phục không gian mỹ thuật toàn cầu hơn một thế kỷ nay. Tên gọi, chủ đề, tự bạch cho mỗi mảng tranh, bức tranh tất nhiên không cụ thể xác định mà chỉ là ước lệ ngôn ngữ , những mũi tên biển báo chỉ về hướng vùng liên tưởng, dòng cảm xúc đang tuôn chảy khi sáng tạo. Không hiểu sao tôi luôn thấy một sự bâng khuâng bàng bạc khắp các mặt tranh mà không có sự dằn vặt, ẩn ức, nộ khí đòi tự do như ở các trường hợp ‘biểu hiện trừu tượng’ tương tự.

LEBON - tên triển lãm đầu tiên này- là tên riêng của con chó nhỏ thông minh, trung thành và bị liệt hai chân mà ông đã làm cho nó một cái xe lăn. Chuyện đó thì can hệ gì tới hội họa ! Nhưng mối nhân tình với Le Bon lại mật thiết với sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Mạnh Quỳnh: một thứ biểu hiện trừu tượng dịu dàng.

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh chia sẻ: "Tôi chọn ngôn ngữ của mình là hội họa bởi hội hoạ có thể giúp tôi khả năng diễn đạt nhận thức, cảm xúc cũng như phần bản năng vô thức sâu kín nhất, đó là nơi giải thoát thân phận của con người tôi. Tôi thích vẽ trìu tượng biểu hiện những cảm xúc mọi sự vật đều đang chuyển động đan xen tương tác đa chiều tự do. 

{keywords}
Với hội họa của Nguyễn Mạnh Quỳnh mỗi khởi đầu đều cũng là trở về.

 

Sự chuyển động phá vỡ nhiều định nghĩa làm cho tôi hưng phấn hơn trong cách cảm nhận về màu sắc đường nét, cảm xúc về cái tôi tuyệt đối, giống như một năng lượng từ một chân trời biến ảo, tiệm cận cuộc sống vừa có đấy vừa trôi qua. Sự tương tác đa dạng huyền ảo của trìu tượng biểu hiện có lẽ nó vừa thể hiện một đời sống phức tạp đồng nghĩa đơn giản trong cùng một tác phẩm nhân tính vô thường.

Nghệ thuật đối với tôi chính là đời sống được trải nghiệm thử thách bao nhiêu thì có bấy nhiêu những suy ngẫm nhân sinh để diễn đạt trong tác phẩm của mình, những đường nét và sắc mầu ấy dường như chứa đựng không gian đa tầng đan xen kết nối tương tác trong một định dạng "nhất thể" của hình ảnh, cảm giác và nhận thức, được xác lập từ nhận thức cảm xúc bản năng, tạo ra sự sống chuyển động không ngừng trong sâu xa và thanh thản.

Sự hấp dẫn của những bí ẩn, trí tưởng tượng huyễn hoặc, sự quyến rũ của miên man hình hài sắc màu đã lôi kéo tôi trở lại thế giới thực tại trong một thực thể vừa đồng nghĩa vừa nghịch lý, đan xen lãng mạng. Tôi nhận thấy hội họa của tôi là phiên bản của chính đời sống cá nhân tôi, là người bạn tri kỷ không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Tôi luôn nghĩ câu chuyện về con người có thể hay hơn, tốt đẹp hơn bởi nghệ thuật, bởi nghệ sỹ và công chúng. Triển lãm cá nhân của tôi với tên gọi “LEBON” đó là tình cảm riêng cũng như mong muốn về những điều an nhiên tốt đẹp…".

Triển lãm sẽ được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội vào 17h, ngày 5/3/2019.

 Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh sinh năm 1956. Ông tốt nghiệp Đại học mỹ thuật công nghiệp năm 1983. Ông cũng có khá nhiều triển lãm tranh như: Từ năm 1983 - 1990 triển lãm tranh tại Hà Nội; Năm 1991 triển lãm tranh tại CHDC Lào; Năm 1994 triển lãm tranh tại CH LB Đức; Năm 1999 triển lãm tranh tại Mỹ; Năm 2001 -2003 triển lãm tranh tại Nhật Bản; Năm 2017 -2018 -2019 triển lãm tranh tại Hà Nội.

Nguyễn Quân - Hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật

Những bức tranh xoáy sâu vào tâm trí người xem

Những bức tranh xoáy sâu vào tâm trí người xem

- Từ xứ sở chùa vàng, Vichit Nongnual mang đến cho giới yêu tranh Việt một trải nghiệm mới mẻ với thể loại chân dung - khắc hoạ một diện mạo châu Á đa phong cách.