- TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc thể hiện sự hâm mộ đối với ngôi sao nhí phải tiết chế và cẩn trọng.

Mối nguy khó lường vì tung hô quá đà Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường

Đáng thương các tài năng nhí sau những tung hô quá đà

Sau những quan tâmlo ngại của khán giả và người hâm mộ đã được đăng tải trên VietNamNet thời gian qua về sự ủng hộ đôi khi mất kiểm soát dành cho các gương mặt nhỏ tuổi bước ra từ các cuộc thi tài năng cũng như những ảnh hưởng tâm lý, đời sống của các em khi còn quá non nớt trước hào quang của sự nổi tiếng và sự tung hô của dư luận, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để nghe những chia sẻ của anh về hiện tượng này cũng như những những tư vấn cần thiết với các em nhỏ cùng các bậc phụ huynh khi để con tham gia các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng.

"Già trước tuổi”: Cơ hội và sự thiệt thòi

Anh nhận xét thế nào về hiện tượng “tung hô” các tài năng nhí? 

- Hâm mộ các ngôi sao nhí là tình cảm rất tự nhiên, tình cảm yêu thương trẻ em được kích hoạt mạnh mẽ khi kết hợp lòng ngưỡng mộ tài năng của các bé. Đó là một tình cảm đẹp, tuy nhiên, cần cách thể hiện lòng ngưỡng mộ sao cho phù hợp với trẻ em. 

Người trưởng thành nổi tiếng chưa hẳn đủ bản lĩnh để đón nhận áp lực từ sự nổi tiếng, nhiều người đã chao đảo và ngã quỵ trước áp lực từ dư luận, từ scandal, từ anti-fan, từ những bình luận trái chiều... huống hồ gì là một đứa trẻ. Do đó, cách thể hiện sự hâm mộ đối với ngôi sao nhí phải khác với ngôi sao người lớn, phải tiết chế và cẩn trọng hơn nhiều.

{keywords}
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Theo anh, những ảnh hưởng về tâm lý và tinh thần đối với trẻ nhỏ vào showbiz là gì? Việc ca ngợi, tung hô của người hâm mộ tác động như thế nào đối với các em và việc phát triển tài năng sau này của các em?

- Các bé nổi tiếng sớm và tham gia showbiz sau một thời gian thường hay được nhận xét là “già trước tuổi”. Đây là một cách gọi khác của việc trưởng thành sớm, chín chắn hơn so với những bạn cùng trang lứa. Sau mỗi cuộc thi, tài năng các em được bộc lộ, bản lĩnh sân khấu ngày càng cứng cáp. Đây là cơ hội rèn luyện mà không phải đứa trẻ nào cũng có.

Tuy nhiên, "già trước tuổi" cũng còn một phương diện khác, đó chính là đánh mất đi sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ nếu người lớn sớm kéo các em vào vòng xoáy của thị phi, của việc mải mê kiếm tiền, của lối sống "bị sắp đặt" mà bỏ qua hoạt động vui chơi và học tập mà đáng lẽ ra lứa tuổi này phải có để được phát triển một cách toàn diện. 

Không chỉ vậy, một số trường hợp các bé nhận được sự tung hô quá đà từ khán giả, điều này có mặt tốt ban đầu là sẽ giúp các em tự tin hơn, được truyền thêm nhiều động lực. Tuy nhiên, nếu không được giáo dục nhận thức đúng đắn về sự tung hô đó, các em dễ rơi vào trạng thái "ảo tưởng sức mạnh" về sự nổi tiếng, từ đó đánh mất đi sự khiêm nhường, dễ tự cao, ứng xử thiếu kiềm chế. 

Một số trường hợp khác, sự tung hô quá sự thật sẽ khiến các bé ngộ nhận và tưởng mình là thiên tài không ai qua nổi. Từ đó dẫn đến tự mãn và không rèn luyện gì thêm, tài năng bắt đầu thui chột.

Rất nhiều ngôi sao nhí trên thế giới do không được chuẩn bị tâm lý và bản lĩnh nên lớn lên đã đánh mất tài năng, thậm chí nhân cách lệch lạc, tiền đồ xem như bị hủy hoại.

Cha mẹ phải là người mạnh mẽ nhất

Theo anh, về những tác động tiêu cực (nếu có) với trẻ, “người có lỗi” ở đây là nhà sản xuất (đối với các gameshow), hay là khán giả? Người ta hay đề cập tới “lòng tham” của bố mẹ - tham tài chính, tham thời điểm – đây có phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc đẩy sự tung hô đi lên hay chìm xuống?

- Nếu một gameshow là trong sáng, không có chiêu trò xấu, thì nhà sản xuất không có lỗi gì ở đây. Nếu khán giả hâm mộ chân thành, đừng tung hô quá sự thật hoặc đừng mù quáng ném đá thì cũng không có gì là lo ngại. 

Vai trò quan trọng nhất vẫn nằm ở cha mẹ, người đã đưa các em tới các cuộc thi, người dõi theo khi các em trên sân khấu và cũng là người bên cạnh khi các em rời khỏi ánh đèn. 

Cha mẹ là người tốt nhất để chuẩn bị tinh thần cho con trước khi bước lên sân khấu lẫn khi bị khán giả quay lưng. Cha mẹ là người duy nhất đủ tình yêu thương để lường trước những hậu quả có thể xảy ra khi con mình rơi vào chiêu trò và dừng con lại trước khi bị cuốn vào vòng xoáy thị phi. Cha mẹ cần là người phù hợp nhất để đả thông tư tưởng cho con khi bé stress và căng thẳng. Cha mẹ là người mạnh mẽ nhất để bảo vệ con tránh khỏi những khán giả có thể làm tổn hại con mình. Không ai có thể lo cho các bé bằng cha và mẹ.

Nếu cha mẹ không ý thức được những chuyện đó mà vẫn đưa con vào cuộc chơi lớn của sự nổi tiếng thì hậu quả xảy ra, cha mẹ là người có lỗi nhiều nhất.

Vậy thì, gia đình phải làm gì để giữ cho một đứa trẻ “chớm” nổi tiếng có một cuộc sống lành mạnh, thưa anh? 

- Điều quan trọng nhất là giữ cho các em có cuộc sống cân bằng dù là mới tham gia hoặc đã khi nổi tiếng. Muốn vậy, cha mẹ nên tham khảo một số giải pháp.

Việc đầu tiên, khi cho con tham gia cuộc thi, phải giúp con thấm nhuần suy nghĩ: "Thắng hay thua không quan trọng, ba mẹ hoàn toàn không áp lực gì về chuyện con đạt giải hay không. Con hãy xem đây là sân chơi để thể hiện khả năng – cũng là nơi để con học tự tin, rèn bản lĩnh".

Tiếp theo, khi ký hợp đồng với nhà sản xuất để con tham gia, phải đọc kỹ các điều khoản và đảm bảo con không bị khai thác sức lao động quá mức. Đặc biệt, cần đảm bảo trẻ được quyền ngừng cuộc chơi nếu bị tổn hại đến danh dự, gặp vấn đề về sức khoẻ hoặc bất ổn trong tâm lý.

Còn lúc con tham gia thi, đừng tạo cho con áp lực về sự chiến thắng, quản lý lịch tham gia sao cho con vẫn có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Đồng thời, theo dõi thật kỹ thao tác của nhà sản xuất và diễn biến của dư luận để kịp thời ứng xử.

Tiếp đó, khi con đã nổi tiếng, đừng cho con tiếp xúc quá nhiều với dư luận, nhất là dư luận trên mạng. Chỉ cho con xem một số lời động viên của khán giả để giúp con tự tin, vui vẻ. Tránh cho con xem những lời tung hô quá đà hoặc lời ném đá thiếu suy nghĩ, vừa ngăn ngừa sự "ảo tưởng sức mạnh" ở con, vừa ngăn ngừa con bị tổn thương bởi những lời nói tiêu cực không hay.

Cuối cùng là sắp xếp cuộc sống của con cân bằng, để nhân cách con phát triển hài hòa. Việc học văn hoá và bồi dưỡng tài năng là hai việc quan trọng tương đương nhau. 

{keywords}

 

Tôi nhận thấy cha mẹ của bé Phương Mỹ Chi hay Hồ Văn Cường đều rất ý thức điều này, đều quan trọng việc học của con là trên hết. Bởi cha mẹ hiểu một quy luật đơn giản là: Dù hiện tại con kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa nhưng nhân cách con hư hỏng thì bao nhiêu tiền cũng sẽ hết, thậm chí không tiền nào mua lại nhân cách cho con. 

Vì thế, sự phát triển lành mạnh của con vẫn là quan trọng nhất. Đầu tư cho trí tuệ - tâm hồn mới là khoản đầu tư không bao giờ lỗ.

Còn người lớn, “cư dân mạng” nên bày tỏ sự hâm mộ như thế nào để thần tượng của họ không phải gánh một áp lực quá nặng so với độ tuổi?

- Đối với cư dân mạng, lời hâm mộ nên dừng lại ở mức khen ngợi động viên, không nên đặt cho trẻ các danh hiệu quá lớn như "thiên thần", "thiên tài", "hoàn hảo"... 

Ngoài lời khen, cũng nên khéo léo chỉ ra cho trẻ thấy những điểm cần cải thiện, để giúp trẻ thay vì ảo tưởng tài năng thì có ý thức hoàn thiện mình hơn.

Nếu không thích một giọng ca nhí nào đó, ta cũng không nên ném đá hay chê bai. Nếu có xì-căng-đan, cũng phải thật cẩn trọng trước khi phê phán. Nên nhớ, đây là trẻ em, tâm hồn rất nhạy cảm, vô cùng dễ bị tổn thương. Nếu có khiếm khuyết, các em cần được chỉ bảo chứ không phải búa rìu dư luận.

Ngoài ra, trong một cuộc thi âm nhạc, nếu hâm mộ giọng hát nhí này cũng đừng nên trở thành "fan cuồng" ném đá vùi dập các giọng hát nhí khác để nâng thần tượng của mình lên. 

Dù là cuộc thi nhưng xét cho cùng cũng chỉ là một sân chơi cho trẻ nhỏ. Đừng biến việc hâm mộ một em nào đó trở nên mù quáng và đầy nguy hiểm với các em còn lại. Hãy để lòng hâm mộ của chúng ta cũng trong sáng, hồn nhiên và nhẹ nhàng tinh khôi như chính lứa tuổi của các em.

Xin cảm ơn anh.

Ngân Anh