Cuốn sách mới “11 bí quyết để trở thành nhà báo giỏi” là những đúc kết của TS Nguyễn Quang Hòa người đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề báo. 

NXB Thông tin và Truyền thông cuốn sách thứ 7 "11 bí quyết để trở thành nhà báo giỏi" của TS, Nhà báo Nguyễn Quang Hòa về nghề báo, nghiệp báo mà ông đã gắn bó suốt hơn 40 năm nay. Mặc dù mới chỉ rời công việc làm báo chuyên nghiệp để rẽ sang sự nghiệp giảng dạy về báo chí nhưng TS Nguyễn Quang Hoà luôn đau đáu về nghề.

Cuốn sách là những đúc rút kinh nghiệm, là sự kết tinh, lắng đọng của cả một quá trình làm báo mà TS Nguyễn Quang Hoà muốn truyền lại cho những người sẽ và đang làm báo. Cuốn sách được chia làm 9 chương. Mỗi chương là một “vấn đề lớn” với người làm báo.

{keywords}
TS Nguyễn Quang Hoà trong buổi ra mắt sách

Chương 1, TS Nguyễn Quang Hoà nêu lên những kiến giải cơ bản để những ai bắt đầu bước chân vào làm báo đọc và “vỡ vạc” ra những thông tin bổ ích.  Ông nói về những vất vả của các nhà báo trong xu thế mới, khi các loại hình truyền thông mở rộng, được cập nhật từng giây thì nhà báo càng phải nhanh nhạy, quyết liệt và gian khó hơn trong việc cạnh tranh thông tin, truyền tải thông tin đến cho bạn đọc, khán giả. Chính vì “ngộ nhận” về quyền lực thứ tư mà nhiều nhà báo trẻ hiện nay “khộng khệnh… như ông tướng” trong khi không phải ai cũng có đủ tài năng để làm báo.

Ở trong phần “Năng khiếu là cái chi chi”, tác giả đề cập và phân tích thấu đáo về hai vấn đề “năng khiếu” và “thực hành” cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa hai yếu tố quan trọng để tạo nên một nhà báo giỏi. Không phải ai cũng có năng khiếu ngay từ đầu nhưng cũng đừng nên quá lệ thuộc vào năng khiếu mà sự tôi rèn, “luyện bút” qua từng bài báo thì mới vững vàng tay nghề được. Ở phần dẫn luận này, tác giả nhấn mạnh việc “Viết báo không bao giờ được hư cấu”. Những phân tích, lập luận và dẫn chứng cụ thể cho thấy “tác hại” của sự “nhầm lẫn” giữa viết báo và viết văn hoặc sự lười biếng không chịu đi đến thực tế, cơ sở để lấy thông tin mà “ngồi nhà viết”. Những “bài học nhãn tiền” cho thấy làm báo cần phải hết sức nghiêm cẩn. Nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ như ngày nay, sớm muộn sự việc cũng bị “bóc phốt” và hậu quả là người trong cuộc “lĩnh đủ” mà thôi.

Chương 2: “Những tố chất của người làm báo” tác giả nhấn mạnh việc “Nhà báo phải có hai lần đạo đức”, đó là đạo đức làm người và đạo đức làm nghề. Trong thời buổi báo chí phát triển rầm rộ như ngày nay, một thông tin chưa được kiểm chứng cũng có thể biến thành một bài báo lan tỏa chóng mặt, những vụ việc “cướp giết hiếp” và áp lực cạnh tranh thông tin, câu view, giật tít, và cả những cám dỗ rất đời thường đặt các nhà báo trước rất nhiều thử thách. Làm thế nào để làm nghề giỏi, nuôi dưỡng quan hệ, nắm được nhiều đầu mối thông tin nhưng vẫn đảm bảo được khách quan, trung thực và hấp dẫn và giữ được mình? Điều đó đòi hỏi các nhà báo còn phải có cả dũng khí cũng như trí tuệ, bản lĩnh vững vàng hơn gấp bội.

Những chương tiếp theo tác giả lần lượt đi vào các vấn đề cụ thể ứng với những thể loại đặc trưng của báo chí như: Cách viết tin, Bài phản ánh, Ký sự pháp đình, Phóng sự, Điều tra. Và một điều rất quan trọng trong việc làm nghề là Lập kế hoạch viết các chuyên đề - một trong những “dấu hiệu” cho biết nhà báo đi “đường trường” và bút lực dồi dào, phong phú, “chắc tay” với những lĩnh vực của đời sống, xã hội mà mình quan tâm, theo dõi.

Ở từng chương, từng vấn đề, tiểu mục, tác giả luôn kết hợp giữa những lập luận, lí giải, lí thuyết cũng như cách giải thích riêng của mình với những ví dụ cụ thể.  TS Nguyễn Quang Hoà đã minh chứng cho một việc, muốn trưởng thành, vững chắc trong nghề thì việc đọc của nhau, nắm bắt thông tin từ các trang báo, từ các nhà báo bạn bè, đồng nghiệp cũng là một cách để làm giàu kiến thức, thông tin cho mình và là một cách học hiệu quả. Vì thế, cuốn sách “11 bí quyết để trở thành nhà báo giỏi” không phải chỉ là một cuốn giáo trình, càng không phải là những lí thuyết đóng khung mà chính là một cuốn sổ tay, là người bạn đồng hành thân thiết với những người làm báo trẻ.

T.Lê