Đọc sách phải có sự hứng thú
- Ngoài giỏi tiếng Pháp và đam mê du lịch, nhiều người còn biết đến Phương Anh với hình ảnh Á hậu thích đọc sách, chị có thể chia sẻ thêm về sở thích này?
Tôi thích đọc sách từ nhỏ và đọc rất nhiều thời cấp 3. Khi ấy, tôi ấn tượng với thầy giáo dạy Văn năm lớp 11. Nhờ thầy truyền cảm hứng, tôi tìm tòi và yêu thích hơn những tác phẩm văn học Việt Nam. Tôi đã dành thời gian rảnh ra thư viện để đọc thêm những tác phẩm khác của các tác giả trong chương trình sách giáo khoa, cảm nhận sâu sắc hơn về phong cách nghệ thuật cũng như quan điểm nhân sinh mà các nhà văn gửi gắm. Có lẽ đây là lúc duy nhất trong 12 năm đi học tôi “siêng” tới vậy.
Từ khi lên đại học, tôi không còn đọc sách thường xuyên và đang cố gắng hình thành lại thói quen này trong những ngày dịch gần đây.
Á hậu Phương Anh thích đọc sách từ nhỏ. |
- Gu đọc của Phương Anh thế nào?
Tôi thích đọc truyện viễn tưởng và không hứng thú với loại sách quá nhiều lý thuyết. Những câu chuyện trong sách với tôi như nơi nghỉ ngơi của cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, tôi đang đọc cuốn Dune của Frank Herbert kể về cuộc phiêu lưu của con người trong tương lai trên những hành tinh xa xôi. Không được đi đâu thì đọc về việc du hành vũ trụ vậy!
- Cuốn sách tâm đắc (nhất) của chị? Người ta nói sách có thể cứu rỗi tâm hồn con người, vậy có tựa sách nào từng giúp chị vượt qua tổn thương?
Tôi tâm đắc với quyển The course of love của Alain de Botton. Đây là một tác giả gốc Thuỵ Sĩ, nổi tiếng viết về tình yêu. Cuốn sách đến tình cờ vì lúc đó tôi đang rảnh, giá sách lại giảm 50% nên tôi quyết định mua về đọc cho vui. Hoá ra, nó rất hay, đem đến cho tôi nhiều cái nhìn khác về tình yêu và những mối quan hệ.
Chẳng hạn, bất cứ ai khi yêu đều từng giận người yêu mình hoặc bị giận lây. Tức là khi đối phương có chuyện không vui, họ hay bực bội, “giận cá chém thớt” lên mình. Thông thường, mình cũng sẽ cọc theo nhưng cuốn sách cho rằng đây là một trong những biểu hiện của tình yêu. Vì chỉ khi thấy thật sự thoải mái và tin tưởng người yêu, mình mới thể hiện những cảm xúc đó. Với người lạ, chắc chắn mình sẽ giấu đi và thể hiện một cách khác. Cuốn sách này thực sự là một “liều thuốc tinh thần”, bồi đắp tâm hồn yêu cho tôi và nhiều độc giả.
- Trong thế giới văn học, chị ấn tượng với tác giả nào?
Tôi ấn tượng với Yuval Noah Harari, tác giả của bộ ba Sapiens - Homo Deus - 21 stories for the 21st century (Lược sử loài người, Lược sử tương lai và 21 bài học cho thế kỷ 21). Nhà văn Israel để lại dấu ấn đặc biệt với tôi bởi trong quyển 21 bài học cho thế kỷ 21, khi nói về những vấn đề ở thế giới hiện đại, tác giả đề cập tới tầm quan trọng của việc ngồi thiền. Tôi tò mò nên đã tìm nghe một cuộc phỏng vấn của Yuval và biết ông ngồi thiền 2 tiếng mỗi ngày.
- Nhiều người cho rằng, internet cũng là phương tiện cung cấp tri thức phổ biến, nhanh gọn hơn sách và trong tương lai có thể thay thế sách, quan điểm của Phương Anh thế nào?
Tôi không quan tâm tới hình thức, miễn là nó giúp mình đạt được mục tiêu. Sách điện tử, sách giấy, mạng xã hội, báo mạng,… đều hữu ích, có những ưu - nhược điểm tuỳ theo sở thích và nhu cầu của mỗi người. Thật ra gần đây, tôi đọc sách điện tử nhiều hơn vì dễ chọn hơn, chứ giờ đặt sách giấy trên mạng không biết bao giờ mới tới nhà.
- Hai niềm đam mê du lịch và đọc sách của Phương Anh hẳn phải có mối liên hệ với nhau?
Với tôi, du lịch và đọc sách đều là những sở thích mang lại niềm vui cho mình nên không quá quan trọng sự liên hệ giữa chúng. Nhưng tôi thích việc đọc sách có liên quan tới địa điểm trước khi ghé thăm bởi mình sẽ có trải nghiệm sâu sắc. Ví dụ, tôi rất thích Dan Brown với những quyển về kiến trúc, tôn giáo ở Ý và Vatican. Vào năm 2019, khi có cơ hội chiêm ngưỡng những điều đó bằng mắt, đó là một trải nghiệm tuyệt vời tôi không thể quên.
- Học tiếng Pháp từ nhỏ, chắc hẳn tủ sách của Phương Anh có nhiều cuốn sách Pháp ngữ?
Thỉnh thoảng tôi có đọc sách bằng tiếng Pháp, nhưng chủ yếu là truyện thiếu nhi như những cuốn: Charlie và nhà máy sôcôla, Hoàng tử bé, bộ Harry Potter,... Những lúc ôn thi, tôi cũng hay đọc sách Pháp để vừa luyện sự phản xạ ngôn ngữ, vừa học và giải trí.
- Nhiều người đọc sách theo trào lưu mà không quan tâm tới chất lượng. Theo chị, cần đọc sách thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
Quan điểm của tôi là đầu tiên mình phải thích đọc. Hãy đọc những gì thật sự khơi dậy sự hứng thú trong mình, kể cả truyện thiếu nhi, truyện phiêu lưu,... chứ không nhất thiết phải chạy theo trào lưu sách nào cả. Bạn có thể thử các thể loại sách để xem mình có thích không. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đọc sách như một thú vui nên hãy chọn những quyển khiến bạn thấy thú vị.
Điều quan trọng nhất là có sức khoẻ, cơm ăn, chỗ ở
- Dịch bệnh khiến cuộc sống của Phương Anh thay đổi ra sao?
Trước đây, tôi rất bận rộn, thường ra khỏi nhà từ sáng rồi tối mới về, đi tập gym, đi học, làm việc và ít khi ăn cơm nhà vì các thành viên trong gia đình cũng có thời gian biểu khác nhau. Bây giờ, một ngày tôi ăn ở nhà và chỉ di chuyển từ phòng ngủ xuống phòng bếp. Tôi thấy biết ơn khi mình và gia đình có sức khoẻ, cơm ăn, chỗ ở.
- Tham gia nấu ăn thiện nguyện hỗ trợ y bác sĩ và hoàn cảnh khó khăn đem lại cho chị những trải nghiệm gì?
Nấu bếp ăn thiện nguyện ở CLB Suối mát từ tâm là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Tôi nhận được nhiều trải nghiệm, kiến thức và thêm cả những mối quan hệ. Quan trọng hơn, tôi rất vui khi đóng góp cho tuyến đầu chống dịch với những bữa ăn đủ đầy gửi tới y bác sĩ, cảnh sát và người dân khu cách ly. Tôi mong hoạt động này sẽ lan toả nhiều tình yêu thương cho những người đang cần sự đùm bọc.
- Là đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Quốc tế 2021 nhưng cuộc thi chưa có thời điểm tổ chức cụ thể hoặc sẽ bị rời sang năm sau, việc tập luyện của chị có bị ảnh hưởng? Chị thấy các đối thủ của mình thế nào?
Để chuẩn bị đi thi, tôi cần tập trang điểm, hình thể, kỹ năng trình diễn và ứng xử. Về hình thể, tôi được huấn luyện viên cá nhân gửi video để tập theo, tuy không hiệu quả bằng ở phòng tập nhưng cũng giúp mình duy trì thói quen. Với ứng xử, tôi hay xem lại cuộc thi những năm trước để hiểu thêm tiêu chí còn trình diễn thì chưa bắt đầu tập.
Tôi muốn thể hiện hình ảnh một người phụ nữ hiện đại với tinh thần rộng mở, mang những điều mới mẻ của thế hệ trẻ nhưng vẫn không quên đi giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Quan trọng hơn hết, tôi muốn là chính mình trong cuộc thi.
Thật ra, tôi không thích từ 'đối thủ' lắm vì với tôi, các đại diện nước khác là những người bạn rất đáng yêu. Chúng tôi thường xuyên ủng hộ lẫn nhau, từ bình luận trên mạng xã hội đến nhắn tin riêng cổ vũ tinh thần. Chẳng hạn có những lúc tôi phát trực tiếp, bạn Dinelle ở Đài Loan hay vào xem hoặc khi bạn Sydney ở New Zealand chuẩn bị trình diễn tại một sự kiện, mọi người đã nhắn tin ủng hộ bạn.
Với tôi, tham dự Hoa hậu Quốc tế là cơ hội để làm quen với các cô gái xinh đẹp, tài năng trên khắp thế giới. Sau này nếu có cơ hội, tôi sẽ cố gắng đi thăm các bạn.
Đức Thắng
Á hậu IELTS 8.0 Phương Anh dịu dàng đón tuổi 23
Người đẹp khéo léo chọn lựa những mẫu thiết kế với tông màu tươi sáng, lấy cảm hứng từ những áng mây xanh trong, khuôn vườn yên tĩnh hay những rặng cây rì rào trong chiều hè thanh mát.