MC Thanh Thảo (được biết với tên Thảo Hugo) mới kỷ niệm dấu mốc 20 năm hoạt động trong nghề. Bên cạnh đó, cô cũng chia vui tròn 1 năm thành lập học viện kỹ năng và ngôn ngữ cũng như ra mắt BST thời trang Larosa theo đúng phong cách nhẹ nhàng, nữ tính của mình. MC dành thời gian tâm tình với VietNamNet về buồn, vui nghề MC.

{keywords}
Thảo Hugo khóc bên thầy khi nhìn lại hành trình 20 năm.

Khó chịu MC truyền hình lấn sân nói ngọng, sai lỗi

- Nhiều MC chuyên nghiệp mở trung tâm riêng, người nghiệp dư thích thi MC truyền hình cho mau nổi, chị cạnh tranh với họ thế nào?

Tôi đi dạy ở Cao đẳng Phát thanh & Truyền hình cũng như dạy “một kèm một” cho nhiều nghệ sĩ trong showbiz đã 4 năm nay. Đến một ngày, tôi muốn dừng lại để mở trường cho riêng mình.

Thực trạng trung tâm dạy kỹ năng giống như trung tâm dạy tiếng Anh vậy. Từng có bạn học tôi 3 buổi, thi MC truyền hình chỉ đạt top 8, sau 2 tháng đã mở trường dạy MC. Hay một người hoàn toàn không có dấu ấn trong nghề vẫn mở trung tâm riêng. Phải nói tôi rất ngạc nhiên, trăn trở. 

Hai mươi năm dẫn chương trình từ chính trị đến giải trí thuần túy, tôi tự tin vào năng lực bản và giá trị mình mang lại là thật. Tôi chưa tìm hiểu mục đích nhiều người mở trường, mở lớp ồ ạt rồi lôi kéo học viên là gì. Song nếu không thấy mục đích cạnh tranh, tôi không xem họ là đối thủ.

- Xem một số cuộc thi MC truyền hình, tôi tự hỏi liệu khán giả có bị hiểu lầm rằng MC truyền hình phải lảm nhảm về thanh xuân, tuổi trẻ hay diễn xuất khóc lóc không? 

Thi MC không giống thi ca hát nên nhà sản xuất chỉ có thể thay đổi chủ đề từng vòng thi để các thí sinh thể hiện mình, như dẫn talkshow, bản tin, chương trình thiện nguyện… Một số phần thi được sân khấu hóa nhưng MC hóa thân để đồng cảm câu chuyện như một người trong cuộc khác với việc diễn viên sống với tư cách nhân vật.

Nhiều MC chuyên nghiệp vẫn nhầm lẫn 2 kiểu cảm xúc này. 7 năm dẫn Lục lạc vàng, tôi luôn cố ghìm lại giọt nước mắt, nuốt cảm xúc vào trong rồi diễn đạt ra thành lời. Nếu không ý thức điều này, người MC sẽ thành thói quen, cứ dẫn chương trình từ thiện là khóc bù lu bù loa như diễn viên. Vì vậy, có MC kể phận nghèo, cảnh đời thương tâm với nước mắt lã chã nhưng bạn không thấy thương; có MC chỉ kể bằng lời nhưng người khóc là khán giả. Vì thế, rất khó trách những bạn trẻ thi truyền hình không phân biệt được MC hóa thân và diễn viên lấy nước mắt.

Thị hiếu khán giả bây giờ cần giải trí nhẹ nhàng, hài hước thâm thúy. MC phải là người dẫn dắt cảm xúc, không nên để cảm xúc dẫn dắt mình, càng không nên đọc vanh vách kịch bản có sẵn hay lời hay ý đẹp mà sáo rỗng.

{keywords}
Vẻ trẻ trung của MC U40.

- MC thời xưa của chị khác nay thế nào?

Thời xưa không có nhiều sự kiện bên ngoài, MC là các phát thanh viên, xướng ngôn viên hay người truyền đạt thông tin cho các cơ quan báo hình, báo nói. MC ngày nay phải tính đến yếu tố sân khấu, càng linh hoạt ứng biến sẽ càng thu hút, được yêu thích.  

Thực trạng người dẫn chương trình hiện nay không phải do đài tuyển chọn mà do nhà sản xuất, công ty truyền thông đưa vào. Họ nghiễm nhiên có cơ hội dẫn chương trình dù không đủ chuyên môn MC. Đôi khi nghe họ nói ngọng, nói sai hay ngắt câu không đúng chỗ, tôi thấy khó chịu. Vì vậy, MC thời nay lên sóng đều đặn có thể do tác động khác thay vì trầy trật lần mò, nỗ lực tạo khác biệt để được chọn như thời chúng tôi nữa.

Mặt khác, thị trường ca sĩ, diễn viên, người mẫu… đã bão hòa nên họ phải lấn sân sang mảng khác như MC song không phải ai cũng làm tốt. Khán giả có thể thấy khó chịu khi MC mắc lỗi nhưng tất cả chương trình đó vẫn đang trên sóng! Thời chúng tôi chỉ cần mắc 1 lỗi, bạn sẽ nhận điện tín đến đài sau 2 ngày hoặc bị một bác cựu chiến binh viết thư tay chê trách, phàn nàn từ cách dẫn không phù hợp đến việc nói sai thông tin. Nhà đài bây giờ không can thiệp nhiều nữa nên quy chuẩn MC truyền hình bị lệch pha.

Dù vậy, tôi vẫn đặt niềm tin vào MC chuyên nghiệp có cá tính, màu sắc giải trí của thị hiếu hiện nay chứ không đánh giá cao người lấn sân làm MC nhiều sạn, lỗi.

{keywords}
Buổi kỷ niệm 20 năm làm nghề của Thanh Thảo trở thành ngày hội MC.

Ông xã ít nói nhưng luôn đứng sau hậu thuẫn cho tôi

- Kỷ niệm nào khi dẫn 'Vui cùng Hugo' và 'Lục lạc vàng' chị nhớ nhất?

Thời dẫn Vui cùng Hugo, tôi có mặt ở cổng đài lúc 6h15 để 7h lên sóng trực tiếp. Mỗi sáng, tôi bóc 5 - 10 thư của các em nhỏ. Có bé 4 tuổi không biết viết, nhờ ba mẹ viết thay. Có bé hôm nào “không thấy cô Thảo” là không chịu ăn cơm. Quả là thanh xuân vô cùng đẹp đẽ!

Lục lạc vàng dù đã dừng sóng 4 năm nhưng phải hết năm nay, tôi mới hoàn thành lời hứa với 4 gia đình mình từng làm chương trình. Khi ấy, để các bé được tiếp tục đi học, tôi hỗ trợ mỗi bé 3 triệu đồng/quý, vậy là 12 triệu đồng/4 gia đình/quý trong gần 10 năm qua. Tôi nhờ chính quyền địa phương giúp họ mở thẻ ngân hàng để rút tiền mỗi quý. Hết năm 2020, các bé lớp 3 năm ấy sẽ tròn 18 tuổi.

Tôi làm Lục lạc vàng có bao nhiêu lương đều trả lại cho đời. Với tôi, 5 – 7 triệu đồng có thể dẫn nước sạch cho một gia đình khổ sở vì dùng nước ao bẩn hay kéo điện lên núi để trẻ con có ánh đèn để học. Tôi làm gì cũng kể với chồng và anh luôn ủng hộ hết mình. Có lúc, tôi phải xin thêm ông xã, ba mẹ chồng và bạn bè như cần gấp 20 triệu để làm phẫu thuật cho một em nhỏ hay 70 triệu đồng sửa một căn nhà.

Gia đình nhỏ của Thanh Thảo và Kim Sơn.

Tôi cho đi để nhận lại tình yêu thương, sự nghiệp ổn định và gia đình hạnh phúc đến bây giờ. Bạn đừng nghĩ điều tôi làm là lớn lao, trái lại, nó quá bé nhỏ so với những cảnh khổ trên đời này.

- Chồng đại gia đóng vai trò gì trong 20 năm sự nghiệp của chị?

Chồng tôi làm việc cho một tập đoàn nước ngoài, bán từng chai dầu ăn, nước tương vài chục nghìn thì làm sao là đại gia được! (cười) Anh ít nói nhưng luôn đứng sau hậu thuẫn cho tôi.

Khoảng năm 2014 - 2015, anh bận xây nhà máy, nhà đang sửa, con thứ 2 mới sơ sinh, tôi biết anh khó khăn nên chủ động chu toàn việc gia đình. Chẳng hạn, tôi không nhận ghi hình chương trình nào sau 17 – 18h. Nói thì dễ nhưng một người MC từ chối chương trình 52 số, đồng nghĩa bạn mất sóng 1 năm. Tôi từ chối nhiều chương trình như vậy nên vắng bóng truyền hình đến 3 năm. Có lần, con gái hỏi tôi: ''Sao mẹ không được lên TV nhiều như cô Ốc Thanh Vân?''.

Vì vậy, đến khi tôi quyết định trở lại công việc và mở trường riêng, ông xã chủ động nhận hết phần chăm con, dạy con.

Gia đình chúng tôi vui nhất là khi “dính một chùm”. Vợ chồng tôi đi chơi riêng không thấy vui vì thiếu con. Hôm nào các con đi chơi với cô, dì, chúng tôi lại thấy ỉu xìu vì quá yên ắng. Chúng tôi đồng lòng đặt giá trị gia đình lên trên tất cả.          

Gia Bảo

MC 'Vui cùng Hugo' sau 16 năm: Kẻ xôn xao giới tính, người tái hôn hạnh phúc

MC 'Vui cùng Hugo' sau 16 năm: Kẻ xôn xao giới tính, người tái hôn hạnh phúc

Sao nữ tái hôn, sao nam thừa nhận thích đàn ông là những thay đổi của dàn sao Vui cùng Hugo sau 16 năm.