- Tôi có 2 con, một cháu học lớp 3 và một cháu học lớp 2, đều đang học dân lập tại Hà Nội với mức học phí không hề rẻ.

Tính tổng chi phí, mỗi tháng gia đình tôi đóng học cho hai con là 10,4 triệu đồng, chưa kể tiền xây dựng trường đầu năm tiền, quỹ phụ huynh và tiền đồng phục cho các cháu. Gia đinh tôi cũng chỉ thuộc diện trung lưu, cũng không nghĩ trường dân lập với mức học phí như vậy là chất lượng cao. Nhưng vì sao tôi lại chọ cho con học dân lập?

{keywords}
Trẻ em háo hức trong ngày đầu đến trường. Ảnh: Quỳnh Anh

Con tôi thích đến trường

Khi con bắt đầu vào lớp 1, tôi đã làm phép thử, thử cho con đi học trường công lập gần nhà và cho con học tại lớp học ôn thi của trường dân lập, sau đó tôi hỏi cháu, cháu thích học ở đâu. Con tôi nhất định muốn học ở trường dân lập vì nó thấy yêu cô giáo ở đó. Cô giáo rất dịu dàng, không quát mắng con. Kể cả khi con mắc lỗi, cô chỉ ra lỗi của con và sửa cho con.

Tôi quan niệm rằng với bất kỳ ai, phải thích làm việc gì thì mới làm tốt được việc đó. Con tôi sẽ học tốt nếu bảo thân cháu thích học và thích đến trường. Trường dân lập nơi con tôi học thử đã làm được điều đó. Sau này tôi thấy quyết định của mình là đúng. Con rất thích đến trường, nghỉ học là con nhớ các cô và nhớ bạn. Con học tương đối tốt và rất tự chủ trong việc học, bố mẹ không phải nhắc nhở nhiều.

Nếu so sánh với các trường công lập, tôi thấy thực tế này khác hẳn.

Lớp con tôi học chỉ có 30 học sinh/lớp, thay vì 50- 60 học sinh/lớp như công lập. Có thể vì thế cô quan tâm đến các con hơn. Qua tìm hiểu, tôi thấy hầu hết các cô đều tôn trọng cá tính của các con và rèn các con theo hướng tôn trọng đó.

Lớp học đang có không khí buồn tẻ, các cô có thể mời 5- 7 bạn đứng lên bục giảng hát để cho sôi nổi…Giờ học tiếng Anh các cô thiết kế như trò chơi tập thể…

Hôm nào đi học về tôi cũng hỏi con: hôm nay lớp con thế nào? Con tôi ríu rít kể chuyện ở lớp, ví dụ hôm nay bạn A mắc lỗi, cô bảo cô sẽ không giận nếu bạn A hát cho cả lớp nghe một bài, hay con kể hôm nay bạn B làm cho cô buồn mẹ ạ, bạn nghịch trong lớp và không chú ý…

Ngoài ra, mỗi tháng các con được sinh hoạt ngoại khoá 1 lần, có thể là nhà trường tổ chức đi xem phim hoặc đi chơi ở đâu đó làm các con rất thích.

Các con không phải học quá nhiều, tuyệt đối không học thêm

Hầu hết các bố mẹ là phụ huynh cùng lớp với 2 con tôi đều chia sẻ là không muốn cho con học nhiều quá, học thêm và thấy áp lực với việc học, vì thế nên chọn trường dân lập. Tôi cũng cùng quan điểm như vậy.

Ngày tôi học cấp 1, học Toán lớp 1 mới học hết cộng trừ trong phạm vi 10, tới lớp 4 mới bắt đầu học viết văn, vậy mà giờ các con tôi học lớp 1 đã phải học cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100, lớp 2 là cộng trừ có nhớ, lớp 3 là thành thạo nhân chia. Học lớp 2 các con đã phải tập viết văn. Với khối lượng kiến thức quá nhiều như vậy, các con học cơ bản đã rất mệt, chưa kể tới học nâng cao.

Ở trường của con tôi, hầu như cuối tuần các con mới phải làm phiếu bài tập về nhà.

Nhà trường khuyến khích các phụ huynh ôn lại bài cho con vào buổi tối, nhưng với học sinh lớp 1,2 thì chỉ cần 30 phút mỗi ngày. Các con không phải học thêm chữ, học thêm toán…ở nhà cô. Các cô chấm điểm theo cách: hôm nay thấy con cố gắng hơn hôm qua thì tặng con 1 cái dập dấu mặt cười hoặc có chữ “cô khen” vào vở. Ngày nào về có dập dấu là con cũng khoe với mẹ và nói rằng: cô bảo hôm nay con đã tiến bộ hơn hôm qua.

Từ việc các con không phải đi học thêm, những phụ huynh như tôi cũng không phải đau đầu về việc phụ huynh nào quan tâm đến cô giáo hơn để con mình được quan tâm hơn.

Ban phụ huynh có quỹ phụ huynh, vào các ngày lễ, tết tự Ban phụ huynh mua quà và hoa cho cô.

Tôi không tặng riêng cô giáo các con thứ gì mà chỉ gợi ý các con vẽ bưu thiếp tặng cô.

Bạn bè tôi cho con học trường công lập có nhiều người than vãn, rất đau đầu với việc phải chăm sóc các cô để cô quan tâm tới con mình hơn.

Thế nào là "chất lượng cao"?

Tôi cho rằng, con tôi đang được học trong một môi trường tương đối bình đẳng, ở đó điểm của các con là do các con tự phấn đấu mà không phải do cha mẹ. Các cô có cách khích lệ các con học tập mà không phải là gây áp lực cho con.

Với mức đóng góp như vậy, tôi hoàn toàn không nghĩ trường nơi con tôi đang học là chất lượng cao. Tôi cho con học vì trường phù hợp với quan điểm giáo dục con của tôi, điều mà tôi khó có thể tìm thấy ở các trường cấp 1 công lập.

Thực tế trường nơi con tôi học không có gì là cao siêu cả. Họ có một phương pháp giáo dục và cách tiếp cận khá cởi mở như những gì tôi đã viết. Đương nhiên cơ sở vật chất họ có đầu tư tốt hơn nhiều trường công lập, nhưng tôi nghĩ thứ thay đổi cơ bản ở đây là thay đổi phương pháp giáo dục. Trẻ con được hiểu, được chia sẻ, được dạy nhiều kỹ năng, được vừa chơi vừa học và những phụ huynh như tôi phải trả tiền cao cho điều đó khi hệ thống giáo dục công lập không đáp ứng được.

Trở lại câu chuyện nhà nước đầu tư trường chất lượng cao, thu học phí cao, ở góc nhìn một phụ huynh tôi không cho rằng đó là giải pháp tốt cho giáo dục công lập.

Cách làm đó sẽ đổ gánh nặng lên vai của các phụ huynh và thể hiện sự loay hoay của chính các nhà quản lý trong cải cách giáo dục công lập.

Học trường chất lượng cao, liệu các con sẽ phải học nhiều thêm lên hay học ít đi như trường con tôi?

Nếu học nhiều thêm lên thì quả là quá sức với các con và cả xã hội lại tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy thành tích.

Nếu học ít đi như các con tôi thì không nhất thiết phải yêu cầu phụ huynh đóng góp như vậy.

Ngành giáo dục có thể thay đổi phương pháp giáo dục và cách tiếp cận giáo dục. Ngành giáo dục phải thấy được “vấn đề” của mình và tự cải thiện mình trước đã, thay vì đổ lỗi cho khách quan (thiếu tiền đầu tư).

Mẹ Mít Chíp

Ý kiến của bạn về vấn đề này, xin mời trao đổi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.