- Một nội dung sôi nổi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5/11 là phân công thực hiện quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.


{keywords}

Thí sinh cao đẳng trong kỳ thi tay nghề quốc gia. (Ảnh: Hương Giang)

Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quản đưa lý do Bộ GD-ĐT quản lý mảng dạy nghề nhưng chưa thật tốt, Bộ GD-ĐT nhiều việc, v.v.

Bộ nào nhiều việc hơn?

Phát biểu đầu tiên, ĐB Trần Minh Diệu nhận xét giải trình chưa thuyết phục bởi “không có cơ sở và cũng không thể nói là bộ nào nhiều việc hơn bộ nào”.Ông Diệu đề nghị thống nhất, quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, theo hiến pháp thì thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT.

ĐB Phạm Thị Hải cũng cho rằng giao cho Bộ GD-ĐT sẽ hợp lý, xây dựng chương trình đào tạo nghề sẽ có tính hệ thống hơn, dễ phân biệt giữa trình độ cao đẳng nghề và các trình độ cao đẳng khác, ngân sách cho giáo dục và đào tạo tập trung một đầu mối, tinh giảm bộ máy quản lý, góp phần tiết kiệm chi phí quốc gia.

ĐB Nguyễn Thị Phúc đưa ra ý kiến “ngành LĐ, TB và XH quản các trường đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp như sư phạm, y tế, phát thanh và truyền hình...là không phù hợp”.

ĐB Nguyễn Xuân Trường góp ý kiến: “Nếu giao cho Bộ GD-ĐT sẽ  giải quyết được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé ví von “giao cho Bộ LĐ-TB-XH thì không gánh nặng sao? Trong khi bộ này làm rất nhiều công việc về an sinh xã hội, phải lo cho con người từ lúc sinh ra cho đến lúc trở về với đất mẹ.

Thời gian qua, vấn đề đào tạo thừa, nhu cầu lao động qua đào tạo thiếu là vì sự phối hợp không chặt chẽ giữa hai bộ này.  

Không nên cắt từng đoạn của hệ thống giáo dục giao cho nhiều bộ quản lý. Nếu sau này Bộ LĐ-TB-XH quản lý không tốt thì sẽ chuyển lĩnh vực này cho ai?”

Nếu đồng ý sẽ thêm 600 biên chế

Ở chiều đồng tình với đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, theo ĐB Cù Thị Hậu, việc quy định Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là hợp lý, phù hợp với thực tiễn phân công của Chính phủ trong những năm qua và giải quyết những hạn chế bất cập hiện nay.

ĐB Nguyễn Hữu Hùng nhấn mạnh “phải gắn mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy thực hiện chính nhiệm vụ đó”.

Nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB-XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, ĐB Lê Thị Nguyệt cho rằng phải lấy sự phù hợp, hiệu quả và phát triển làm tiêu chí chính của việc phân công quản lý chứ không phải là sự thống nhất đầu mối quản lý làm tiêu chí phân công.

Tuy nhiên, phân tích của ĐB Lê Tuấn Tứ cho thấy, nếu hình thành một bộ máy mới tại Bộ LĐ-TB-XH chỉ để quản lý giáo dục nghề nghiệp.

“63 tỉnh thành sẽ có 63 Sở LĐ-TB-XH và có 63 Phòng giáo dục chuyên nghiệp, mà mỗi phòng quản lý mảng này ít nhất từ 5 - 6 biên chế, như vậy phát sinh khoảng 300 - 350 biên chế. Tại Bộ LĐ-TB-XH phải có các vụ, các phòng chức năng, viện, cơ quan nghiên cứu để phục vụ giáo dục nghề nghiệp….Nếu thế thì Quốc hội cũng bấm nút tuyển thêm gần 600 biên chế nữa”.

Những phương án khác

Theo ĐB Lê Trọng Sang, “ về lâu dài, nên phân công theo hướng giao cho Bộ GD – ĐT quản lý nhà nước đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Bộ Khoa học, Công nghệ quản lý nhà nước về giáo dục đại học”.

Đồng tình với ông Sang, ĐB Lê Tuấn Tứ đề xuất “nếu quả thật xem Bộ GD-ĐT quá nặng trong việc quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo nói chung thì nên tách hệ thống giáo dục ra làm hai: Một là giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giao cho Bộ GD-ĐT quản lý; Hai là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Nếu giao như vậy thì sau hai bộ này được giao có đủ khả năng, điều kiện, nguồn lực để làm tròn trách nhiệm của mình, lúc đó Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ lấy tên là Bộ Đại học và Khoa học công nghệ”.

ĐB Nguyễn Trung Thu nói rõ: “Bộ nào làm tốt thì giao cho bộ đó, nếu thấy không ổn thì sửa đổi tổng thể các luật có liên quan, hình thành Bộ Đại học và Giáo dục nghề nghiệp như các nước và đã có tiền lệ ở nước ta”.

Cũng theo ông Thu, “vấn đề cốt lõi đặt ra là luật có hiệu lực thì người dân có cải thiện được kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện được cơ hội việc làm và thu nhập. Đồng thời, luật có góp phần làm cho hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phát triển một cách hài hòa, ổn định bền vững hay không mới là quan trọng chứ không phải bộ nào quản lý mới là quan trọng”.

Ngân Anh lược thuật