- "Việc làm của 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là sai nhưng kết quả thi của học sinh vẫn được giữ nguyên, không phải chấm lại bài. "-Thứ trưởng  Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia thông báo.

TIN BÀI KHÁC
11 tỉnh ĐBSCL thoả thuận 'nâng' điểm thi tốt nghiệp

Chiều tối 23/6, Bộ GD-ĐT đã họp và đưa ra kết luận về vụ việc đưa ra hướng dẫn chấm thi ở 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi đối chiếu văn bản hướng dẫn chấm thi của Bộ và 11 tỉnh ĐBSCL, Bộ kết luận, các tỉnh hướng dẫn chấm thi 4 môn tự luận của các địa phương tuy mức độ có khác nhau nhưng đều có biểu hiện hạ thấp yêu cầu so với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Nghiêm trọng hơn là hành động đưa hướng dẫn đó đến các hội đồng để vận dụng chấm thi. Rõ ràng là các địa phương đã sai, vi phạm quy chế thi.

Thứ trưởng khẳng định, việc Bộ cho phép các tỉnh ĐBSCL họp là vì việc thảo luận cách thức chấm thi trước khi chấm là cần thiết và phải thống nhất chấm thi theo đúng hướng dẫn của Bộ và quy định mà quy chế thi đã ban hành. Việc điều chỉnh đáp án hay hướng dẫn chấm thi (nếu có) là quyền của Bộ GD-ĐT chứ không phải của các sở hay của hội đồng chấm. Tuy nhiên, các tỉnh ĐBSCL đã vượt quá giới  hạn cho phép.


Một thí sinh ở Vĩnh Long khá hồi hộp trước giờ thi. Ảnh: Minh Thái

Tuy nhiên, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng các em học sinh không có lỗi trong việc này. Hơn nữa, lại sắp đến kỳ thi ĐH, nếu chấm lại sẽ khiến tâm lý của các em hoang mang, xáo trộn, ảnh hưởng đến kỳ thi. Vì vậy, Bộ quyết định giữ nguyên kết quả và cho rằng, nếu có chấm lại, tỷ lệ đỗ của các tỉnh này cũng chỉ giảm không đáng kể.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND, ban chỉ đạo thi của 11 tỉnh để xem xét, xác minh và xử lý vi phạm của các cá nhân và đơn vị theo mức độ vi phạm. Tuy việc xử lý cán bộ của các Sở GD-ĐT là quyền của UBND nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng không nên sợ tỉnh "giơ cao đánh khẽ", phải tin vào cách làm việc của các địa phương. 

Việc thanh tra của Bộ cũng đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận chấm thi là sai và cũng sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, hiện tại Bộ chưa đưa ra các hình thức kỷ luật cụ thể nào.

Một số ý kiến cho rằng, cuộc vận động hai không đã "phá sản" sau kết quả thi tốt nghiệp hai năm gần đây. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phủ nhận và khẳng định: Bộ GD-ĐT xin khẳng định không thể có chuyện cuộc vận động “Hai không” phá sản. Thi cử ngày càng nghiêm túc hơn. Tôi cho rằng phải nhìn nhận kết quả tốt nghiệp nhiều chiều và khách quan hơn nữa.

Thứ trưởng cho rằng, năm nay không chỉ tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng lên mà ngay cả tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi cũng tăng lên (từ 10% năm 2010 tăng lên 13% năm 2011) là do Bộ đã chỉ đạo rất sát sao ngay đầu năm học và phụ đạo rất nhiều cho học sinh yếu kém.

Về việc chấm thẩm định, Bộ sẽ chọn các địa phương có các dấu hiệu như tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX cao hơn hệ THPT, hoặc có địa phương tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX đạt tới 100%, tỷ lệ tốt nghiệp tăng quá cao so với năm trước, địa phương có kết quả tốt nghiệp cao trong khi chất lượng cả quá trình dạy học không cao... để chấm thẩm định.

  • Nguyễn Hường (Tổng hợp từ Thanh niên, Dân Trí, Tiền Phong)