- Những chia sẻ, ý kiến về việc đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí vừa được đưa ra tại buổi họp giữa Bộ GD-ĐT, 7 đại học sư phạm trọng điểm và Chuyên gia giáo dục của Ngân hàng thế giới ngày 17/11.

Nhiều hạn chế

Tại buổi họp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) PGS.TS Phạm Hồng Quang thừa nhận việc đào tạo giảng viên sư phạm của trường còn lạc hậu so với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) Lê Quang Sơn cho rằng, đào tạo giáo viên chưa thay đổi kịp với sự phát triển của xã hội do các trường chưa đổi mới triết lý đào tạo giáo viên.

{keywords}

Giờ lên lớp môn Vật lý theo phương pháp dạy học tích cực tại Bắc Giang (Ảnh: Hạ Anh)

Lâu nay việc đào tạo giáo viên vẫn dựa trên quan điểm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nhất định để sau đó người thầy thực hiện như một công việc, quy trình. Trong khi đổi mới giáo dục đòi hỏi đào tạo con người có hệ thống giá trị phù hợp với nghề dạy học. Từ đó giáo viên có thể tự cập nhật, tự phát triển được trước những thay đổi trong giáo dục.

Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo Trường ĐH Vinh bổ sung một trong những yếu kém hiện nay của giáo viên và cán bộ quản lí là kỹ năng thiết kế chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Huyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (Học viện Quản lí giáo dục) bổ sung, những lần đổi mới trước việc đổi mới cán bộ quản lí giáo dục còn mờ nhạt. Giáo viên được huấn luyện tốt nhưng khi về trường hiệu trưởng không triển khai đổi mới, dẫn tới hiệu quả thấp.

Nên lấy nguyên của nước ngoài?

Phó hiệu trưởng Lê Quang Sơn cho rằng mô hình đào tạo giáo viên của VN nhiều điểm cần thay đổi. Đặc biệt hệ thống quản lí trường sư phạm phải thay đổi, giảm tối đa việc quản lí theo kiểu mệnh lệnh hành chính, chú trọng quản lý chuyên môn để phát triển con người. Các tổ bộ môn với tư cách hạt nhân quan trọng nhất trong phát triển nhà trường phải được thực sự phát huy hiệu quả.

{keywords}

Tới đây, việc đào tạo giáo viên và cán bộ quản lí ngành giáo dục sẽ có nhiều đổi mới. (Ảnh: Hạ Anh)

Ông Sơn đề xuất có thể lựa chọn, vận dụng “công nghệ của một trường sư phạm nước ngoài có uy tín về cho VN”; nội dung bồi dưỡng thường xuyên cần xuất phát từ nhu cầu của từng giáo viên hơn là đại trà lâu nay vẫn làm. Cách làm trên theo ông Sơn sẽ khắc phục tình trạng làm hay chắp vá hiện nay.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tại cuộc họp cho rằng đề xuất này khó thực hiện vì những yếu tố khác nhau giữa môi trường, điều kiện kinh tế, xã hội của VN với thế giới; cần áp dụng, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo.

Cần những “đầu tàu” và cơ chế ràng buộc

Ông Michel J.Welmond, GĐ phụ trách giáo dục, chuyên gia giáo dục trưởng, Chủ nhiệm chương trình Phát triển sư phạm của Ngân hàng thế giới đề xuất: Thay vì xem các trường là đơn vị chính thực hiện công tác đào tạo nên để các trường sư phạm trở thành “đầu mối” của một mạng lưới phát triển giáo viên.

Theo đó, mạng lưới sẽ có mục đích tập thể; quyền lực đến từ kiến thức và kinh nghiệm được công nhận hơn là cấp bậc. Cách này cũng giúp kết nối mọi người và đội ngũ vượt qua các ranh giới thông thường như sở, ngành hay khu vực địa lý. Việc điều chỉnh cấu trúc và đội ngũ khi có thay đổi cũng dễ dàng, thông tin được lưu chuyển tự do.

Với các đầu mối trên sẽ là điểm kết nối để đảm bảo các đặc điểm trên được duy trì

PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế bổ sung: “Cần có sự thống nhất trong chương trình đào tạo của các trường sư phạm trên cả nước. Không cớ  gì chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước mà chương trình đào tạo sư phạm mỗi trường lại soạn riêng”.

Với việc được chọn là một trong 7 trường sư phạm nòng cốt của cả nước, ông Thám cho biết ông cùng lãnh đạo các trường còn lại trong số này đã ngồi lại với nhau nhiều lần để bàn bạc.

Theo đó, các trường đã thống nhất dành 70% khối kiến thức chung đào tạo giống nhau, còn lại 30% kiến thức dành cho đặc thù vùng miền.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng việc kết nối 7 trường ĐH sư phạm nòng cốt trên cả nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là hết sức cần thiết. Các trường phải là đầu tàu trong mọi công việc của ngành.

Nội dung đổi mới cơ chế quản trị các trường sư phạm, nhà trường phổ thông cũng như cách quản lí của Bộ GD-ĐT với các trường sẽ tiếp tục được bàn bạc kỹ lưỡng.

  • Văn Chung (ghi)